tên hầu cận phản trắc kia đã lấy đi) lão không còn tin vào bọn hầu cận nữa.
Pủ Sá nghĩ, sang Ai La buôn bán một mình sẽ thuận lợi hơn, vừa dễ mua
bán, vừa không phải chia lợi nhuận cho bọn hầu cận. Lão định bụng đi nốt
chuyến hàng này về sẽ bỏ nghề để nghỉ ngơi, vì số bạc trắng tích cóp được
trong nhiều năm buôn bán thuốc phiện, da lông thú đã đủ cho lão có thể
sống cả đời. Từ ngày A Pa mất, Chứ Đa bỏ về Sủng Pả không thấy trở lại,
Pủ Sá bỗng nhiên thấy chán chường tất cả, kể cả việc làm giầu. Lão cũng
nhận thấy việc buôn bán bây giờ càng ngày càng khó khăn và đầy bất trắc.
Các băng nhóm tranh giành nhau rất khốc liệt nguồn thuốc phiện đang ngày
một khan hiếm, cạn kiệt. Nạn cướp bóc xảy ra liên tục, lan đến nhiều nơi
khiến Pủ Sá nản lòng. Lão nghĩ, nếu Chứ Đa không về Sủng Pả thì việc làm
ăn của lão sẽ rất thuận lợi, vì Chứ Đa là thằng trai lanh lợi, giỏi võ, đáng tin
cậy. Pủ Sá thấy tiếc tên đệ tử mà lão đã mất nhiều công sức dạy bảo. Đã
mấy lần Pủ Sá có ý định sang Sủng Pả tìm Chứ Đa, bắt nó về làm hầu cận
cho mình, nhưng vì mải sang Ai La buôn bán nên lão chưa đi được.
Trước khi đi, Pủ Sá dặn A Pẩu:
- Tao đi nốt chuyến hàng này rồi về hẳn. Mày ở nhà trông chừng nhà
cửa và lũ ngựa. Đừng để cho chúng đói. Ai cần thì cho họ thuê. Nếu trong
lúc tao đi vắng mà thằng Chứ Đa trở lại Mã Lỳ thì mày bảo nó chờ tao về.
Tao có nhiều chuyện cần nói với nó. Nhớ là đừng có bỏ đi đâu xa!
A Pẩu nhìn theo Pủ Sá. Nó thấy sống mũi cay cay, mắt nhoà đi. Một
màn sương đục ở đâu kéo về nuốt chìm Pủ Sá và những con ngựa của lão.
Trong lòng A Pẩu chợt thấy có điều gì bất an. Nó có linh cảm chuyến đi
này Pủ Sá sẽ mãi mãi không về. A Pẩu định chạy theo Pủ Sá nói điều gì đó,
song nó không thể nhấc nổi đôi chân.
Pủ Sá cưỡi ngựa trắng đi trước, dắt ngựa xám thồ hàng đi sau. Cơn gió
lạnh bất chợt tràn về kéo theo những màn sương trắng đục phủ kín lão cùng
những con ngựa, khiến Pủ Sá rùng mình. Bàn tay Pủ Sá bất giác nắm chặt
lấy cái chuôi kiếm lão đang đeo bên hông. Đôi mắt ti hí, giảo hoạt của lão