Lễ hội Gầu tào ở Sủng Pả năm ấy diễn ra trên bãi nương rộng, tròn
như một cái mâm, được bao bọc bởi những dải núi đá vôi. Trông xa, khu
vực lễ hội có hình dáng giống như cái cối đá xay ngô của người Mông.
“Ngõng” của cái cối xay khổng lồ ấy chính là cây nêu, được dựng bằng một
cây tre mai to nhất, cao nhất, đẹp nhất, chọn trong búi tre tốt nhất ở thung
lũng Sủng Pả. Đó là nơi làm lễ chính của người đứng ra tổ chức lễ hội Gầu
tào. Xung quanh cây nêu là nơi tổ chức các trò chơi dân gian, được truyền
nối từ đời nọ sang đời kia.
Những năm trước, mỗi khi đến lễ hội Mùa rất thích ngắm cây nêu,
thích xem thầy mo cúng lễ, thích cùng mọi người hào hứng tham gia các trò
chơi dân gian. Nhưng năm nay thì khác. Mùa không còn được tự do cùng
bạn bè chơi đùa thỏa thích như trước, vì Mùa đi đến đâu cũng có Chư Pấu
lẵng nhẵng bám theo. Nhiều lúc Mùa cảm thấy đôi chân mình như bị ai đó
buộc dây kéo lại. Các trai bản thấy Mùa xinh đẹp tìm cách đến gần để ngỏ
lời nhưng không thể nói chuyện được vì bị Chư Pấu làm vướng chân.
Cái háo hức ban đầu trong tâm trí cứ giảm dần khi đôi chân Mùa bước
sâu vào lễ hội. Mọi năm, đôi bắp chân quấn xà cạp trắng của Mùa cứ thoăn
thoắt dưới làn váy lanh thổ cẩm xếp lớp, đung đưa theo nhịp bước, đẹp đến
mê hồn. Nhưng hôm nay đôi bắp chân ấy cứ như có bàn tay vô hình đang
níu giữ, khiến Mùa thấy vướng víu, trễ nải. Nhìn cảnh Chư Pấu ngờ
nghệch, ngửa cổ cười cười, đi bên cạnh Mùa đẹp rực rỡ như bông hoa mẫu
đơn rừng, ai cũng thấy tiếc cho một bông hoa đẹp. Nhiều người nhận thấy
bông hoa ấy đang héo úa từ bên trong. Bao đôi mắt tiếc rẻ nhìn theo Mùa
cùng những tiếng thở dài của các chàng trai Mông đang đi tìm gái đẹp để
kết bạn cứ đuổi theo phía sau lưng khiến Mùa càng thêm chán chường. Tất
cả những trò chơi vui trong lễ hội bỗng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa trước
mắt Mùa. Lách đám đông, Mùa tìm cách chui ra khỏi “chiếc cối đá khổng
lồ” đang quay những vòng quay náo nhiệt. Khi Mùa càng cố sức bước qua
cái vòng quay ấy lại càng thấy nó quay mạnh hơn, nhanh hơn. Mùa đâu
biết, đó chính là những vòng quay cuộc đời của những người phụ nữ Mông