như Mùa. Một khi ai đó đã bị vòng quay ấy cuốn vào thì dù có cố sức thoát
ra cũng khó lòng mà thoát được! Mùa lảo đảo như sắp ngã...
Cuối cuộc chơi xuân, nhà ông Sùng Chư Sảng bố trí cho Chư Pấu và
các bạn của nó đi “kéo” Mùa về. Đối với con gái Mông đến tuổi lấy chồng,
việc được một chàng trai ưng ý “kéo” về làm vợ vào dịp xuân sang, tết đến
là cả một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của đời người phụ nữ. Nhưng Mùa
không cảm nhận được điều đó. Mùa biết rõ rằng cái việc “kéo vợ” của Chư
Pấu đối với mình chỉ là kết quả sự dàn xếp của những người lớn. Mùa đi
“làm dâu nhà người” trước sự luyến tiếc của không biết bao nhiêu trai bản
xa gần. Họ tiếc cho một bông hoa đẹp đã cắm nhầm chỗ. Mùa âm thầm làm
“vật gán nợ” cho nhà Chư Sảng, quên đi hạnh phúc của mình để gánh nợ
cho cả nhà, phó mặc cuộc đời mình cho số phận đẩy đưa. Mẹ Mùa thương
con đứt từng khúc ruột nhưng chẳng thể làm khác được, đành ngậm ngùi
nuốt nước mắt vào trong bụng, rồi tự an ủi rằng, dẫu sao nó cũng được
nương tựa ở một gia đình khá giả. Song điều mong mỏi giản đơn ấy của bà
cũng không thành hiện thực, bởi chẳng bao lâu sau ngày Mùa về làm dâu,
thì tai họa bất ngờ ập xuống nhà Chư Sảng.
Chuyến đi buôn thuốc phiện đường dài lần ấy ông Chư Sảng và người
con trai cả của ông đã bị một băng cướp núi sát hại. Hôm ấy là một ngày
kinh hoàng nhất trong đời Mùa. Bọn cướp đem xác ông Chư Sảng và người
con trai cả đặt trước cổng đá nhà ông trong một đêm giông gió, sấm chớp.
Đêm ấy Chư Pấu say thuốc phiện nằm bẹp dí dưới đất, Mùa xay ngô mãi
gần sáng mới đi nằm. Nhưng Mùa không tài nào ngủ được vì tiếng chim
lợn cứ kêu eng éc sau nhà. Tiếng kêu làm cho Mùa nổi da gà, dựng tóc gáy.
Linh cảm có điều chẳng lành xảy ra, Mùa lần đến cửa buồng mẹ chồng, khẽ
gọi. Bà mẹ chồng của Mùa cũng không ngủ được từ khi nghe thấy tiếng
chim lợn. Bà ngồi như hoá đá, mắt nhìn về bếp lửa leo lắt. Con chó già từ
ngoài cửa chạy vào, miệng rên ư ử như muốn nói điều gì. Đoạn nó cắn áo
bà Chư Sảng kéo đi.