Cào cấu tóc tai mà khóc. Khóc chán vẫn không thấy vợ con về Chư Pấu
liền đốt đuốc đi tìm. Gặp vợ con và Dính giữa đường, Chư Pấu sung sướng
cười như bị ma làm. Cười chán, Chư Pấu vòng ra sau lưng vợ, móc tay vào
trong miệng quẩy tấu lôi lấy thằng con. Chư Pấu giơ cao thằng bé trên đầu,
vục mặt vào cái chim tí xíu của nó hôn hít cuống cuồng. Mùa nhìn cảnh
Chư Pấu đùa con mà thấy lòng mình rưng rưng. Đôi mắt Mùa long lanh
nước. Mùa khóc trong sự sung sướng của người mẹ trẻ. Dính đến bên Mùa,
nói nhỏ:
- Chư Pấu chưa phải là người bỏ đi đâu. Nó tốt đấy, yêu con thế kia cơ
mà!
Thằng bé lại cười khanh khách.
Từ hôm ấy Chư Pấu trở thành người khác hẳn. Ngoài việc chủ động
bảo vợ đi đón thầy mo về làm lễ giải hạn cho con, Chư Pấu còn thức suốt
đêm để cùng vợ chăm sóc con mỗi khi nó quấy khóc. Sự yêu con của Chư
Pấu thể hiện rõ nhất trong buổi lễ cúng giải hạn. Chính hôm ấy Mùa và bà
con dân bản mới nhận thấy hết tình yêu thương mà Chư Pấu dành cho đứa
con trai của mình. Để xua đuổi tà ma, thầy mo ngậm dầu trong miệng, vừa
nhảy múa vừa thổi phù phù vào que lửa đang cầm trên tay. Đúng lúc ngọn
lửa bùng lên, Chư Pấu chẳng biết từ đâu nhảy bổ vào dùng tấm lưng gầy
che chắn ngọn lửa cho con, miệng quát thầy mo: “Ông làm như thế cháy
con tôi thì sao?” Thầy mo phát bực đuổi Chư Pấu ra ngoài. Được một lúc
Chư Pấu lại ngó cổ vào xem. Thấy trên người thằng bé có mấy giọt máu
tươi, Chư Pấu hét lên rồi lao vào túm lấy thầy mo, quát tướng: “Tại sao ông
làm cho con tôi chảy máu?”. Chư Pấu đâu biết đấy là những giọt máu của
con gà trống giò, thầy mo cắt tiết vẩy lên người thằng bé để làm phép trừ
tà.
Sự yêu thương, chiều chuộng, giúp đỡ vợ con của Chư Pấu còn được
thể hiện bằng những công việc thường ngày, những việc mà trước đây
chẳng mấy khi Chư Pấu làm. Ngày nào Chư Pấu cũng miệt mài đi cắt cỏ