Ban đầu, chúng tôi bước vào một cái hố tối om. Dù không nhìn thấy gì,
tôi chăm chú lắng nghe tiếng những bước chân vọng lại trong không gian
và đoán trên đầu mình là một trần nhà thấp, có lẽ chỉ cao hơn hầm vài mét
(khoảng ba mét hoặc hơn), và khi lần tay theo một bức tường, tôi có thể nói
chắc nó không thẳng mà lượn vòng.
Một căn phòng hình chữ nhật.
“Đây rồi,” Day lầm bầm. Tôi nghe tiếng cậu ấn rồi nhả cái gì đó, rồi ánh
sáng nhân tạo tràn ngập căn phòng.
“Hy vọng là không có ai khác ở đây.”
Đó không phải một căn phòng lớn, nhưng đủ lớn để chứa thoải mái hai
mươi đến ba mươi người, thậm chí một trăm nếu chịu khó dồn lại. Ở bức
tường đối diện có hai cánh cửa dẫn ra các hành lang tối. Trên các bức tường
đều có những màn hình dày cộp cổ lỗ, với thiết kế cồng kềnh hơn hết thảy
đám màn hình được dùng trong phần lớn các hội trường của phe Cộng hòa.
Tôi không biết có phải quân Ái Quốc đã lắp đặt chúng, hay chúng là đồ quá
đát còn sót lại từ lúc đường hầm mới được xây?
Trong lúc Day lăm lăm tay súng kiểm tra hành lang thứ nhất cuối căn
phòng chính, tôi kiểm tra hành lang thứ hai. Ở đây có hai căn phòng nhỏ
hơn, mỗi phòng có năm bộ giường tầng, và cuối hành lang là một cánh cửa
nhỏ dẫn trở lại vào đường hầm tối đen thăm thẳm. Tôi dám cá rằng hành
lang Day đang thăm dò cũng có một lối dẫn vào hầm. Khi bước từ chiếc
giường này sang giường khác, tôi lướt tay dọc bức tường nơi người ta đã
nguệch ngoạc khắc tên lên. Đường đến sự cứu rỗi. J. D. Edward, một dòng
khắc. Dòng khác thì đề Lối thoát duy nhất là cái chết. Maria Márques.
“Không có ai chứ?” Day hỏi tôi từ phía sau.
Tôi gật đầu. “Không có. Mình nghĩ chúng ta an toàn rồi.”