thời giờ chấn chỉnh lại quân mã... Nhưng Mohammed thất bại hoàn toàn vì
không lường được lối hành binh thần tốc của địch, nguy hại nhất là bị địch
ly gián ông với dân chúng. Tại Merv, "một thành phố hoa hồng", ông nghe
tin quân Mông Cổ chiếm kinh đô sau 5 ngày vây hãm.
Đạo binh thủ thành Samarkande cố phá một đường máu thoát ra nhưng bị
sát hại quá nhiều đành phải thối trở vào. Qua hôm sau quân Mông Cổ án
ngữ sát cửa thành không còn cách nào ra nữa. Rồi cái cảnh ở Boukhara tái
diễn: bọn quan lại, giáo chủ, thầy tu đòi mở cửa xin qui hàng. Họ phát động
một cuộc tuyên truyền trong dân chúng "Samarkande là một hãn địa độc
lập: 7 năm trước đây Mohammed đã đuổi Osman, khả hãn của họ, ra khỏi
thành lại còn tìm cách ám sát. Ở Tây liêu, Thành Cát Tư Hãn cho mở cửa
đền thờ và che chở tín đồ Hồi giáo..." Cuộc nổi loạn bùng nổ; 30 ngàn quân
Thổ xin đầu hàng, còn lại bao nhiêu thì rút vào nội thành cố thủ. Bốn cửa
ngoại thành đều mở rộng đón quân Mông Cổ (tháng 3-1220).
Ngay hôm đó quân Mông Cổ triệt hạ tường thành, lấp bằng các chiến hào.
Phái Hồi giáo gồm 50,000 gia đình được để yên, kỳ dư tất cả dân chúng
đều bị lùa ra một cánh đồng rộng. Họ lọc ra 30 ngàn nghệ sĩ và thợ giỏi gởi
cho các binh đoàn sử dụng, một số thanh niên khoẻ mạnh thì dùng làm phu
dịch hoặc cho gia nhập quân đội viễn chinh, số còn lại đem chém phăng cả.
Ba mươi ngàn quân Thổ và tướng lãnh đầu hàng cũng chịu chung một số
phận vì người Mông Cổ không bao giờ dung thứ kẻ phản bạn đồng ngũ.
Vài hôm sau họ chiếm nội thành và đốt ra tro bụi...
Tới lúc này quốc vương mới nhận thấy cái hiểm họa: tín đồ Hồi giáo sẵn
sàng qui hàng giặc; hai người bạn thân của ông lại ra làm thống đốc dưới sự
kiểm soát của một tướng Mông Cổ; dân chúng thành Merv rục rịch bắt ông
đem nạp cho địch quân. Mohammed tức tốc trốn ra khỏi thành Merv, vượt
một rặng núi xuống thành Nichapour. Tại đây ông viết một bức thơ gởi cho
bà thái hậu đang ở Gourgandi, thủ phủ của chính quốc Kharesm (cận cửa
sông Amou-Daria, gần biển hồ Aral) kêu gọi bà mẹ cấp tốc dẫn đám cháu
và đám cung tần chạy xuống Khoressan. Vì chiếm được Samarkande rồi thì
Kharesm sẽ là mục tiêu thứ nhì của Thành Cát Tư Hãn.
Trong lúc ấy Tốc Bất Đài và Triết Biệt đã tới Balk; họ không gặp một sức