Nhưng Thành Cát Tư Hãn cho rằng tuổi 61 chưa phải là tuổi quá già đối
với những thú vui như thế. Ông thấy mình vẫn còn tráng kiện, quắc thước,
cố cãi lại đạo sĩ:
- Thật khó mà bỏ những cái thú mà mình đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời!
Trường Xuân Tử liền nêu lên một hình ảnh khác cụ thể hơn:
- Đông qua thì tới xuân, rồi hạ, thu, lại tới đông. Nhưng đời người thì khác
hẳn: mỗi ngày của cuộc sống đều chứa chất bao nhiêu chuyện của những
ngày qua, cho đến hết cuộc chuyển vần thì con người lại trở về gốc ban đầu
là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là lúc tận cùng của vận số, là sống theo đạo Trời.
Người trí phải sáng suốt lẽ ấy.
Nghe xong, Thành Cát Tư Hãn đăm chiêu nghĩ ngợi một lúc lâu rồi mới
nói:
- Ta sẽ ghi nhớ mãi lời nói của đạo trưởng.
Từ đó Thành Cát Tư Hãn không đi riêng một mình trong những cuộc săn
nguy hiểm nữa.
Bây giờ Trường Xuân Tử lại nằn nằn đòi trở về Trung Quốc. Đại hãn cố
giữ lại:
- Ta cũng sẽ về Mông Cổ. Đạo trưởng hãy nán lại một ít lâu rồi cùng về
một lượt.
Đạo sĩ vẫn nhất quyết:
- Bần đạo đã giảng giải tất cả những điều mà đại hãn muốn biết. Bây giờ
không còn chi để nói nữa!
Thành Cát Tư Hãn vẫn cố kéo dài ngày chia tay, cốt để tìm một tặng phẩm
quý giá xứng đáng ban cho đạo sĩ, nhưng Trường Xuân Tử chẳng muốn
nhận một thứ nào cả, chẳng cần đặc ân, chẳng cần địa vị...
- Tất cả những thứ ấy chẳng có giá trị gì hết. Được ân huệ hay bị thất sủng
đều gây cho con người nhiều nỗi lo âu. Được ân huệ thì sợ mất, mất rồi thì
đâm lo buồn!
Đại hãn vẫn cố thuyết phục:
- Hẳn đạo trưởng cũng muốn thực hiện điều gì! Nếu đạo trưởng bị bỏ rơi
thì làm sao truyền bá giáo lý ra được?
Trường Xuân Tử nở một nụ cười thanh thản, giọng thật trầm tĩnh: