Các vương tử thật sự không có người nào có cái thiên tài và những đức tính
như ông, tài dùng người, tài thao lược, với ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn vô
biên... Chỉ còn cách là chọn người nào có được một vài đức tính thiết yếu
mà thôi. Sát – Hợp – Đài thì tính khắc nghiệt, đa sát; Đà – Lôi có tài thao
lược, giàu nghị lực nhưng thiếu nhiều đức tính lãnh đạo; Oa – Khoát – Đài
được giao ngôi báu chỉ vì đệ tam vương tử “biết nghe lời khuyên của kẻ
khác, biết dùng người theo khả năng, biết chinh phục lòng những kẻ dưới
tay, biết dàn xếp nội bộ” mặc dù đệ tam vương tử hơi kém nghị lực, chỉ có
cái tật hay say sưa mà vẫn không chừa được.
Thành Cát Tư Hãn nghĩ xa trong tương lai và nhằm một mục đích rõ rệt
nên không cần ý chí sắt đá và tài thao lược. Ông đặt thuật dùng người và
lòng khoan dung lên trên tất cả các đức tính khác của người lãnh đạo.
Sau khi quyết định, ông hỏi Oa – Khoát – Đài có điều gì muốn nói không.
Vương tử tâu rằng:
- Thưa phụ vương, phụ vương đã cho phép con mới dám nói; con đâu dám
từ chối ngôi báu của phụ vương đã giao, và nguyện sẽ cố gắng cai trị đế
quốc một cách khôn khéo, tài ba. Nhưng chỉ sợ sau nầy đám con của con
không đủ sức để gìn giữ ngôi báu nữa. Đó là điều con muốn nói.
- Nếu con hoặc cháu của mầy không đủ tài đức thì hãy chọn đứa nào xứng
đáng trong hàng cháu của ta lên kế vị.
Thực ra trong thâm tâm Thành Cát Tư Hãn không muốn để cho Oa – Khoát
– Đài lập một dòng đại hãn riêng nên đã qui định sẵn một thể thức ghi trong
Yassa để hội đồng quí tộc chiếu theo đó mà thi hành. Ngoài ra lại giao cho
Đà – Lôi quyền giám sát đế quốc…
Mọi sự sắp đặt đã chu đáo như vậy mà Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa yên
tâm, lòng vẫn canh cánh lo sợ mối chia rẽ xảy ra giữa đám con cháu. Trong
cơn hấp hối, ông còn ráng giảng thêm một lần nữa bài học đoàn kết và