ông được những người theo hầu an táng vô danh trên mảnh đất quê
hương, không lăng tẩm, đền đài, kim tự tháp, hay thậm chí là cả một
tấm bia nhỏ đánh dấu nơi ông nằm lại. Theo tín ngưỡng Mông Cổ,
thân thể người chết nên được để trong yên bình, không cần lăng
mộ, vì linh hồn họ không còn đó nữa mà sẽ sống tiếp trong Dải cờ
thiêng. Khi được mai táng, Thành Cát Tư Hãn thẩm lặng biến mất
vào cõi thinh không mênh mang của miền đất Mông Cổ quê hương.
Không ai biết nơi an nghỉ cuối cùng của ông ở đâu, song bởi không
có nguồn tư liệu xác thực nhiều người đã tự tay viết nên lịch sử và
thêm thắt nhiều chi tiết kịch tính. Một câu chuyện thường được nhắc
lại là trong chuyến hành trình dài bốn mươi ngày, quân lính trong
đoàn đưa tang ông đã giết toàn bộ người và thú vật mà họ gặp trên
đường, và sau đám tang bí mật, tám trăm kỵ binh đã cưỡi ngựa
giẫm lên khu vực chôn cất nhiều lần để che giấu nơi đặt mộ. Sau đó,
theo lời kể đầy sáng tạo này, những kỵ binh này đã lại bị giết bởi
một toán lính khác nhằm đảm bảo họ không thể chỉ điểm nơi này; và
rồi những người lính này lại bị một nhóm chiến binh khác giết.
Sau khi ông được chôn cất bí mật ở quê nhà, quân lính cho
phong toả cả khu vực rộng vài trăm dặm vuông này. Không ai có thể
vào trừ người nhà Thành Cát Tư Hãn và một nhóm chiến bính tinh
nhuệ đóng quân ở đó nhằm hạ sát mọi kẻ xâm nhập. Trong gần tám
trăm năm, khu vực này – gọi là Ikh Khorig, vùng Đại Cấm địa nằm
sâu trong lòng châu Á – luôn đóng cửa im lìm. Mọi bí mật về đế chế
của Thành Cát Tư Hãn dường như đã bị khoá lại trong quê hương
thần bí của ông. Rất lâu sau khi Đế chế Mông Cổ sụp đổ, và khi một