mọi người dân đều biết chữ. Người Mông Cổ hoàn thiện và kết hợp
các loại lịch để làm ra lịch vạn niên chính xác hơn các loại lịch trước
đó, và tài trợ để làm ra những tấm bản đồ bao quát nhất thời ấy.
Người Mông Cổ khuyến khích lái buôn đi đường đất liền tới đế quốc
của họ, và gửi nhà thám hiểm vượt đất liền và biển khơi tới những
nơi xa xôi như châu Phi để mở rộng phạm vi thương mại và ngoại
giao.
Ở gần như mọi quốc gia mà người Mông Cổ đặt chân tới, sự tàn
phá ban đầu cùng cơn sốc bị một bộ lạc xa lạ và man rợ chinh phục
nhanh chóng nhường đường cho tăng trưởng chưa từng thấy trong
trao đổi văn hóa, mở rộng thông thương, và tiến bộ trong văn minh.
Ở châu Âu, quân Mông Cổ tàn sát tầng lớp hiệp sĩ quý tộc của châu
lục này, nhưng, thất vọng vì sự nghèo đói của khu vực so với các
nước Trung Hoa và Hồi giáo, đã rời đi mà không buồn chiếm đóng
thành phố, cướp bóc đất nước, hay sáp nhập chúng vào đế chế
đang ngày càng lớn mạnh. Sau cùng, châu Âu chịu thương vong ít
nhất, song lại có được mọi lợi thế từ các đầu mối liên lạc là các
thương nhân như gia đình Polo ở Vénice, và các sứ giả trao đổi
giữa các vị hãn Mông Cổ và giáo hoàng cũng như vua của châu Âu.
Những kỹ thuật, kiến thức và của cải mới này đã bắt đầu thời kỳ
Phục hưng, giúp châu Âu tìm lại một phần nền văn hóa xưa kia,
nhưng quan trọng hơn, thời kỳ này đã tiếp nhận các kỹ thuật in ấn,
vũ khí, la bàn và bàn tính từ phương Đông. Như nhà khoa học
người Anh Roger Bacon ở thế kỷ mười ba đã nhận xét, người Mông
Cổ thành công không chỉ nhờ chiến thuật ưu việt, mà “họ đã thành