ông như đám người tàn bạo thèm khát vàng bạc châu báu, phụ nữ
và máu.
Dù sau này có rất nhiều hình ảnh và tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn,
khi còn sống ông không có một bức chân dung nào. Không như các
nhà chinh phạt khác, Thành Cát Tư Hãn không bao giờ cho phép ai
vẽ chân dung, đúc tượng, hay khắc tên hay hình ảnh ông lên đồng
xu, và những gì người đương thời miêu tả về ông thường gây tò mò
nhiều hơn là dựa trên thực tế. Xin trích lời một ca khúc Mông Cổ
hiện đại về Thành Cát Tư Hãn, “chúng con tưởng tượng hình ảnh
người nhưng tâm trí chúng con trống rỗng.”
Vì không có chân dung hay ghi chép nào của người Mông Cổ về
Thành Cát Tư Hãn, thế giới được tự do tưởng tượng về ông như ý
muốn. Không ai dám vẽ hình ông cho tới nửa thế kỷ sau khi ông
mất, và sau đó mỗi nền văn hóa lại có một hình ảnh riêng về ông.
Trong con mắt người Trung Hoa, đó là một ông bác già với chòm râu
thưa và đôi mắt trống rỗng, tựa như một nhà hiền triết lơ đãng hơn
là người chiến binh Mông Cổ dũng mãnh. Với một nhà tiểu họa Ba
Tư, ông giống một vị sultan người Turk đang ngự toạ trên ngai vàng.
Người châu Âu miêu tả ông như một tên man rợ với gương mặt
hung dữ và đôi mắt ác độc trừng trừng, xấu xa tới từng chi tiết.
Sự bí hiểm của người Mông Cổ để lại một nhiệm vụ rất khó khăn
cho các nhà sử học tương lai muốn viết về Thành Cát Tư Hãn và đế
quốc của ông. Có rất ít thông tin để các nhà viết tiểu sử và sử gia có
thể dựa vào và tường thuật. Họ biết trình tự thời gian của các thành