chiến dịch lớn nữa, mở đầu bằng cuộc chiến với người Đảng Hạng.
Có lẽ ông đã định lập căn cứ ở vương quốc Đảng Hạng rồi tiến về
phía nam tới mục tiêu cuối cùng là nhà Tống, phần thưởng đã thoát
khỏi đội quân mà ông để lại để giao chiến ở bắc Trung Hoa khi ông
xâm lược Khwarizm.
Trong mùa xuân năm 1226-1227, trên đường vượt sa mạc Gobi
để gây chiến với người Đảng Hạng, Thành Cát Tư Hãn dừng chân
để săn ngựa hoang. Con ngựa xám ánh đỏ ông cưỡi đã nhảy tránh
khi bầy ngựa hoang lao tới, và ném Thành Cát Tư Hãn xuống đất.
Mặc cho nội thương, một cơn sốt nặng, và lời khuyên đầy lo lắng
của người vợ Yesui, Thành Cát Tư Hãn từ chối quay về nhà và tiếp
tục chiến dịch. Dù sức khỏe không bao giờ hồi phục sau tai nạn, ông
vẫn tiếp tục lên đường tấn công vị vua Đảng Hạng. Tình cờ thay, tên
của vị vua này là Burkhan, có nghĩa là “Chúa trời,” như tên ngọn núi
thần Burkhan Khaldun. Cái tên này linh thiêng với Thành Cát Tư
Hãn tới nỗi khi ông đã đánh bại được vị vua này, ông ra lệnh đổi tên
ông ta trước khi tử hình.
Sáu tháng sau, chỉ vài ngày trước thắng lợi hoàn toàn trước
người Đảng Hạng, Thành Cát Tư Hãn qua đời. Bí sử tuyên bố rõ
ràng rằng ông mất vào cuối mùa hè, song dù cuốn sách miêu tả kỹ
càng từng con ngựa mà ông cưỡi, nó lại đột nhiên không nhắc tới
hoàn cảnh khi ông qua đời. Các nguồn khác nói rằng khi ông mất,
bà Yesui – người vợ Tatar của ông – đã chuẩn bị xác chết để chôn
cất một cách giản dị đúng như cách mà Thành Cát Tư Hãn đã sống.