đã sống ở Afghanistan suốt tám thế kỷ. Tương tự, vào năm sau đó,
trong một trong những bài diễn thuyết cuối cùng tới người Iraq, nhà
độc tài Saddam Hussein cũng đã buộc tội người Mông Cổ khi Hoa
Kỳ xâm lược Iraq và lật đổ ông ta.
Giữa những luận điệu chính trị, giả khoa học, và trí tưởng tượng
của giới học thuật, sự thật về Thành Cát Tư Hãn dường như đã bị
chôn vùi, không còn dấu tích gì với đời sau. Quê hương ông, nơi
ông giành được quyền lực, tới thế kỷ hai mươi vẫn bị phong toả với
thế giới bên ngoài, tương tự như điều mà những người chiến binh
đã làm trong hàng trăm năm trước đó. Những tài liệu gốc của người
Mông Cổ, được gọi là Bí sử người Mông Cổ, không chỉ là bí mật mà
cũng đã biến mất, rơi vào quên lãng một cách bí ẩn hơn cả lăng mộ
của Thành Cát Tư Hãn.
Vào thế kỷ hai mươi, đã xảy ra hai bước tiến dẫn đến cơ hội
không ai ngờ tới để vén màn một số bí ẩn và sửa chữa một phần ghi
chép về Thành Cát Tư Hãn. Bước tiến đầu tiên là việc giải mã các
văn tự có chứa phần lịch sử đã mất quý giá về Thành Cát Tư Hãn.
Bất chấp những định kiến và nhận định sai lầm về người Mông Cổ,
vài học giả qua hàng trăm năm đã ghi lại những lần tiếp cận với văn
tự Mông Cổ trong truyền thuyết về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn này.
Cũng giống như động vật quý hiếm hay các loài chim quý được cho
là đã tuyệt chủng, những lời đồn đoán này gây nghi ngờ nhiều hơn