là có tính học thuật. Cuối cùng, vào thế kỷ mười chín, một bản sao
chép văn tự này bằng tiếng Trung đã được tìm thấy ở Bắc Kinh. Các
học giả có thể dễ dàng đọc các ký tự, nhưng từ ngữ lại vô nghĩa vì
chúng đã được ghi lại bằng một ngôn ngữ sử dụng ký tự tiếng Trung
để biểu thị âm thanh của tiếng Mông Cổ thế kỷ mười ba. Các học
giả chỉ có thể đọc phần tóm tắt ngắn bằng tiếng Trung đi kèm mỗi
chương, trong đó chứa đựng những gợi ý rất hấp dẫn về nội dung
của chúng; nhưng ngoài phần đó ra, văn tự này không thể giải nghĩa
được. Vì những bí ẩn bao quanh, văn tự này được các học giả gọi là
Bí sử người Mông Cổ, cái tên còn tồn tại cho tới ngày nay.
Trong phần lớn thế kỷ hai mươi, việc giải mã Bí sử ở Mông Cổ
có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Chính quyền ngăn cuốn sách
rơi vào tay dân thường và học giả vì lo ngại họ có thể bị ảnh hưởng
sai trái từ quan điểm cổ hủ, phi khoa học của văn tự này. Song một
phong trào học thuật ngầm đã dấy lên xung quanh Bí sử. Trong
những trại du mục trên thảo nguyên, câu chuyện lịch sử mới phát
hiện được truyền tai từ người này sang người khác, trại này sang
trại khác. Cuối cùng họ cũng có được một lịch sử được kể từ quan
điểm người Mông Cổ. Người Mông Cổ không chỉ là những kẻ man
rợ phá hoại những nền văn minh ưu việt quanh mình. Với họ, những
gì Bí sử tiết lộ dường như đến từ chính Thành Cát Tư Hãn, người
đã trở lại với thần dân của mình để mang tới hi vọng và cảm hứng.
Sau hơn bảy thế kỷ im lặng, cuối cùng, họ cũng đã có thể nghe thấy
lời ngài.