chém chết bằng rìu. Sau khi thanh lọc nội bộ, chính quyền tập trung
vào tác phẩm của các học giả Mông Cổ, những người bị gọi là
“thành phần chống đảng,” “gián điệp Trung Hoa,” “kẻ phá hoại,” hay
“côn trùng gây hại.” Trong chiến dịch chống chủ nghĩa dân tộc sau
đó, chính quyền đã bỏ tù nhà khảo cổ học Perlee trong điều kiện rất
khắc nghiệt chỉ vì ông từng là thầy giáo của Tomor-ochir và đã bí
mật nghiên cứu lịch sử Đế chế Mông Cổ. Các giáo viên, nhà sử học,
họa sĩ, nhà thơ và ca sĩ đều gặp nguy hiểm nếu họ có bất kỳ liên hệ
gì với lịch sử của thời Thành Cát Tư Hãn. Vài người trong số họ đã
bị chính quyền bí mật xử tử. Những học giả khác mất công việc, và
cùng với gia đình bị trục xuất khỏi nhà giữa khí hậu Mông Cổ khắc
nghiệt. Họ cũng không được chăm sóc y tế, và nhiều người bị buộc
phải cuốc bộ tới địa điểm lưu đày nằm ở nhiều nơi giữa vùng đất
Mông Cổ rộng lớn.
Dải cờ thiêng của Thành Cát Tư Hãn đã biến mất hoàn toàn sau
thời kỳ này, và có lẽ đã bị chính quyền Liên Xô tiêu hủy để trừng
phạt người Mông Cổ. Nhưng dù bị đàn áp tàn bạo, hay có khi chính
nhờ vậy, nhiều học giả Mông Cổ đã mạo hiểm tính mạng để tự bắt
đầu nghiên cứu Bí sử, nhằm tìm kiếm một cách hiểu đúng đắn về
quá khứ bị bôi nhọ và xuyên tạc của họ.
Bên ngoài Mông Cổ, học giả từ nhiều nước, đặc biệt là Nga,
Đức, Pháp, và Hungary, đã nỗ lực giải mã văn tự này và dịch nó
sang ngôn ngữ hiện đại. Vì không thể tiếp cận các nguồn tài liệu của
Mông Cổ, họ đã làm việc trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Trong