phạm nhân có được tự do hay không phụ thuộc một phần vào việc
liệu họ có chấp nhận tham gia một cơ quan hành pháp hỗ trợ để sử
dụng kiến thức hay tội lỗi của họ vào việc bắt các phạm nhân khác.
Kẻ phạm tội, và thường là cả gia đình họ, phải ký các giấy tờ xác
nhận bản án và thông báo nếu không chấp nhận hay muốn than
phiền về quá trình. Để ghi lại sự việc, họ lấy dấu vân tay trên các
giấy tờ này. Khi nào có thể, chính quyền Mông Cổ muốn xử lý các
vấn đề trước hết từ cấp thấp nhất mà không cần quan lại can thiệp.
Tội lỗi trong một gia đình sẽ do gia đình giải quyết, hay tranh cãi
giữa một nhóm thầy tu cùng tôn giáo sẽ do các thầy tu cùng tôn giáo
đó xử lý, và tội trong cùng một ngành nghề sẽ do hội đồng các
ngành nghề này quyết định.
Về việc giải quyết tranh chấp, triều đình Mông Cổ khuyến khích
in sách về tội phạm học để dân chúng và các hội đồng trên được
hướng dẫn đúng đắn. Về luật tội phạm, họ cũng đặt ra yêu cầu tối
thiểu cho các quan lại tới hiện trường để thu thập, phân tích và báo
cáo chứng cứ. Việc này bao gồm hướng dẫn xử lý và giám định tử
thi để thu thập nhiều thông tin nhất có thể, và báo cáo phải được lưu
thành ba bản với hình vẽ miêu tả vị trí vết thương. Các thủ tục của
Mông Cổ không chỉ cải thiện chất lượng hành pháp, mà còn tương
ứng với chính sách chung rằng toàn bộ dân chúng – chứ không chỉ
tầng lớp thượng lưu có học – nên biết và có thể hành xử qua pháp
luật. Với người Mông Cổ, luật pháp là một cách để xử lý vấn đề, tạo
khối thống nhất và gìn giữ hòa bình hơn là một công cụ định tội hay
xử phạt.