Thay vì dạy quan lại về thơ văn và thư pháp, Mông Cổ khuyến
khích học hành thực tiễn hơn theo nhiều cách khác nhau. Họ đặt ra
các tiêu chuẩn tối thiểu về kiến thức cho mọi ngành nghề từ làm mối
và buôn bán tới thầy thuốc và luật sư. Trên mọi lĩnh vực, chính sách
của Mông Cổ đều như nhau – để chuẩn hóa và nâng cao trình độ
các ngành nghề, đồng thời đảm bảo nhiều người có thể tiếp cận
những nghề này cũng như lợi ích và dịch vụ mà chúng đem lại.
Khi chỉ có một số ít người Mông Cổ cai trị rất nhiều dân chúng
Trung Hoa, Hãn Hốt Tất Liệt dường như sẽ bị buộc phải chấp nhận
việc tuyển chọn quan lại qua quá trình khoa cử, nhưng ông từ chối.
Thay vì tiếp tục hệ thống cũ, ông xóa bỏ thi cử và tuyển nhiều người
nước ngoài, đặc biệt là người Hồi giáo và – khi có thể – người châu
Âu như Marco Polo, để trợ giúp về mặt triều chính. Như ông mình,
người nhận thấy các quan lại Hồi giáo có học thức rất giỏi về “luật lệ
và tập quán thành thị,” Hốt Tất Liệt cho vời họ từ vương quốc của
anh trai ông ở Ba Tư. Ông thường xuyên gửi lời tới Giáo hoàng và
các vị vua ở châu Âu đề nghị họ gửi học giả và trí thức tới, nhưng
không nhận được hồi âm.
Song, nhận thấy mối nguy của việc phụ thuộc quá nhiều vào một
quốc gia hay một dân tộc, và muốn họ cạnh tranh với nhau, Hốt Tất
Liệt liên tục pha trộn người Trung Hoa và người nước ngoài, bao
gồm người Tây Tạng, Armenia, Khiết Đan, Tajik, Duy Ngô Nhĩ, Đảng
Hạng, Turk, Ba Tư và người châu Âu. Mỗi cơ quan được bố trí với
một giới hạn người chia thành ba nhóm lớn, gồm người bắc Trung