Dần dần, quân lính, quan lại và nông dân từ bỏ nhà Tống để
sống dưới quyền nhà Nguyên, hay giúp nhà Nguyên chiếm khu vực
của họ. Ngày càng nhiều lái buôn buôn bán với người Mông Cổ, các
tu sĩ và học giả tới tìm kiếm sự bảo hộ và tự do di chuyển, và cuối
cùng tướng lĩnh và toàn bộ binh đoàn lính và thủy thủ Trung Hoa
cũng đào ngũ sang bên Mông Cổ. Nhà Tống sụp đổ không chỉ một
sớm một chiều, mà là một cuộc xói mòn từ từ.
Xuyên suốt cả chiến dịch, quân Mông Cổ vẫn duy trì áp lực quân
sự lên nhà Tống. Mỗi chiến thắng nhỏ lại củng cố niềm tin rằng Trời
đặt tương lai vào tay Mông Cổ và đã từ bỏ nhà Tống. Hốt Tất Liệt
chỉ đạo chiến dịch lấy lòng dân chúng nhưng không quản lý quân
đội, mà ông giao cho các vị tướng tài của mình, ví dụ như một người
tên Bayan. Ông đánh quân Trung Hoa tài tình gần bằng Tốc Bất Đài
tiêu diệt các quân đội châu Âu từ Nga tới Hungary. Năm 1276, quân
Mông Cổ cuối cùng cũng chiếm được kinh đô nhà Tống ở Hàng
Châu, và trong những năm sau đó quét sạch các mầm mống nổi dậy
ở địa phương. Nhờ kiên trì tuyên truyền và áp dụng các chính sách
khéo léo, Hãn Hốt Tất Liệt đã thành công trong việc mà Thành Cát
Tư Hãn với quân đội hùng mạnh của mình đã không làm được. Để
giữ hình ảnh mới của mình là người đại diện cho các đức tính Trung
Hoa, Hốt Tất Liệt cho phép hoàng thái hậu và phần lớn hoàng tộc
sống trong một cung điện xa hoa với đầy đủ các tiện nghi họ vẫn
thường có. Để tránh việc người kế vị của nhà Tống trở thành trung
tâm nổi dậy, ông cho thái tử đi học ở Tây Tạng. Năm 1296, thái tử
quyết định đi tu.