trong quá trình thành lập Đế chế Mông Cổ từ Thành Cát Tư Hãn tới
Hãn Mông Kha.
Có khả năng tổ chức các buổi diễn công cộng và nắm được thị
hiếu dân chúng, Hốt Tất Liệt nhiệt tình ủng hộ kịch nghệ, một hình
thức nghệ thuật thường bị quên lãng trong văn hóa Trung Hoa
truyền thống, và ông thường xuyên cho diễn kịch trong cung điện.
Quan lại Mông Cổ thích kịch có nhào lộn, nhạc xúc động, trang điểm
sáng và phục trang sặc sỡ. Giống các tác phẩm của William
Shakespeare ở châu Âu, các nhà viết kịch triều Nguyên cố gắng viết
các tác phẩm vừa hấp dẫn vừa để tìm hiểu các vấn đề như mối
quan hệ giữa quyền lực và tiết nghĩa. Người ta cho rằng không vở
kịch nào bị kiểm duyệt dưới thời Hốt Tất Liệt, dù thông tin này không
thể kiểm chứng được. Các vở kịch ra đời tồn tại rất lâu trong văn
học Trung Hoa, và triều Nguyên là triều đại huy hoàng của kịch
Trung Hoa. Số vở kịch mới được biểu diễn trong thời này được ước
tính là khoảng 500, trong đó 160 vở còn tồn tại tới ngày nay.
Thông thường ở Trung Hoa, các nghệ sĩ biểu diễn như diễn viên
và ca kỹ bị xếp loại về đức hạnh và phẩm giá ngang hàng với gái
điếm, gái bao và các ngành nghề ngoài rìa xã hội khác. Các vua
Mông Cổ nâng vị thế của họ lên người có nghề nghiệp và cho dựng
các khu vực nhà hát để những buổi biểu diễn không bị giới hạn ở
chợ, nhà thổ và quán trọ. Sự kết hợp của kịch nghệ Trung Hoa với
sự bảo trợ của người Mông Cổ là nền tảng cho nhà hát kịch Bắc
Kinh sau này.