du mục khác, và làm sáng tỏ vì sao Bí sử nhắc tới săn bắn nhiều
hơn là chăn gia súc trong thời thơ ấu của Thành Cát Tư Hãn. Cảnh
quan nơi đây liên kết những năm đầu đời của Thành Cát Tư Hãn
chặt chẽ hơn với văn hóa Siberia, nơi Bí sử coi là nguồn gốc của
người Mông Cổ, chứ không phải với các bộ lạc người Turk ở vùng
đồng bằng. Từ đó, thông tin này ảnh hưởng lớn tới cách chúng ta
hiểu các phương pháp thực địa của Thành Cát Tư Hãn, và vì sao
ông coi những người dân đối địch như động vật để chăn, còn những
người lính đối địch là thú để săn bắn.
Nhóm của chúng tôi đi thực địa suốt năm năm, ở rất nhiều điều
kiện và tình huống khác nhau. Nhiệt độ chênh lệch tới hơn 80°C – từ
hơn 38°C ở những dải đất không bóng râm tới âm 46°C, chưa kể
hơi lạnh từ những cơn gió dữ dội, trên thảo nguyên Khorkhonag
tháng Một năm 2001. Chúng tôi trải qua các rủi ro và cơ hội thường
thấy khi đi lại ở các khu vực kiểu này. Xe của chúng tôi bị mắc kẹt
trong tuyết vào mùa đông, bùn vào mùa xuân, và cát vào mùa hè; có
cái còn bị lũ chớp cuốn trôi. Có những lúc trại của chúng tôi bị gió và
tuyết hay những cơn nhậu say phá hỏng. Chúng tôi tận hưởng sự
hào phóng tuyệt vời của nguồn sữa và thịt không ngừng trong
những mùa hè cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Nhưng vào những
năm đầu tiên của thế kỷ hiện nay, chúng tôi cũng đã trải qua những
năm tồi tệ nhất của nạn đói của động vật, gọi là zud, khi ngựa và bò
Tây Tạng lăn ra chết theo đúng nghĩa đen quanh chúng tôi, và động
vật đủ mọi kích thước chết đông cứng giữa đêm tối.