nghiệp. Nếu bạn đối xử tốt với người khác, họ cũng sẽ đối xử tốt với bạn.
Bạn sẽ không bị cuộc sống chi phối và sẽ luôn kiểm soát được nó.
3. Luật lòng tin
Luật lòng tin phát biểu rằng, bất cứ điều gì bạn tin tưởng chân thành, nó sẽ
trở thành hiện thực. Bạn càng có niềm tin mãnh liệt là một điều gì đó sẽ trở
thành hiện thực thì điều đó càng dễ trở thành hiện thực. Thật sự tin tưởng
vào một điều gì đó nghĩa là bạn không thể tưởng tượng được nó sẽ trở thành
một cái gì đó khác.
William James của trường Đại học Harvard nói rằng: “Niềm tin tạo ra thực
tại”. Trong Kinh thánh có câu: “Với niềm tin, việc thực hiện tùy thuộc vào
con”. Nói cách khác, bạn không nhất thiết phải tin tưởng vào những gì bạn
nhìn thấy nhưng bạn phải nhìn thấy được những gì mà bạn tin tưởng.
Ví dụ, nếu bạn tin tưởng tuyệt đối rằng bạn sẽ đạt được thành công lớn trong
cuộc sống, sau đó cho dù điều gì xảy ra cũng không quan trọng, bạn sẽ tiếp
tục tập trung vào mục tiêu của bạn. Không gì có thể ngăn cản bạn được.
Mặt khác, nếu bạn tin tưởng rằng thành công là do may mắn hay tình cờ, thì
bạn sẽ dễ dàng trở nên chán nản và thất vọng khi mọi việc không diễn ra như
bạn mong muốn. Niềm tin của bạn sẽ quyết định việc bạn thành công hay
thất bại.
Nhìn chung, mọi người có một trong hai thế giới quan. Một là thế giới quan
tích cực. Nếu bạn có quan điểm thế giới nhân đạo thì nói chung, bạn tin
tưởng rằng thế giới là một nơi tốt đẹp hiền hòa. Bạn có xu hướng quan sát
những điều tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi hoàn cảnh và tin tưởng rằng có
rất nhiều cơ hội xung quanh bạn. Bạn tin tưởng vào tương lai, vào bản thân
và người khác. Về cơ bản, bạn có thái độ lạc quan.
Hai là thế giới quan tiêu cực. Một người có thế giới quan tiêu cực về cơ bản
là bị động và có thái độ bi quan đối với chính bản thân họ và cuộc sống.
Người đó tin rằng: “Những người giàu sẽ ngày càng giàu hơn, những người
nghèo sẽ ngày càng nghèo đi” và, cho dù bạn có làm việc chăm chỉ như thế
nào thì bạn cũng vẫn không thể phát triển.
Kiểu người này chỉ nhìn thấy sự bất công, áp bức và bất hạnh ở khắp nơi.
Khi những điều không hay xảy ra với họ, như vẫn thường thế, họ đổ lỗi cho
sự kém may mắn và cho người khác. Họ nghĩ mình là nạn nhân. Vì thái độ
này mà họ không thật sự yêu quý hay tôn trọng bản thân họ.