Tất cả những nhân vật được bảo tiến trên đều là những người học thức uyên
bác, có thể coi như là những nhân tài tuyệt luân được. Ngoài ra, ta còn thấy
có nhóm Trương Chi Động cũng góp nhiều công vào việc biến chính, nhất
là trong chương trình cải cách khoa cử.
Vương Phượng Văn xin thiết lập phép chấm thi. Tiêu Văn Cát xin chỉnh
đốn nghề tơ, trà để phục hưng thực nghiệp. Ngự sử Tăng Tôn Ngạn tâu xin
mở mang nông vụ. Vương Tích Phồn xin tổ chức quản trị các hội buôn. Lý
Đoan Phân xin chỉnh đốn lại luật lệ. Viên Vĩnh thì tâu xin giải quyết sinh
kế cho Bát Kỳ (tổ chức quân đội của riêng nhà Thanh). Ngự sử Thuỷ Tân
người Mãn, dốt đặc cán mai, đến một chữ cũng không biết thế mà cũng
dám ghi tên lên đầu danh sách, xin quản trị các báo quân để lo việc thông
tin.
Quang Tự hoàng đế thấy sớ tấu dâng vào như bươm bướm, cái nào cũng có
ích cho Tân chính, đều nhận hết, đồng thời còn khen thưởng những người
dâng tâu kế sách. Ấy cũng vì vậy cho nên có những anh chàng người Mãn
vớ vẩn dốt nát, vét ba ngày không ra được nửa chữ, cũng vội vàng dâng sớ
trình bày chính kiến, khiến từ đó, tấu sớ chất thành đống như trái núi, tạp
nham bừa bãi, trở nên bao chuyện khôi hài không bút nào tả xiết!
Lại cũng còn có kẻ tâu xin hoàng đế "trở lại" đạo Gia tô. Rồi cũng lại có cả
những bản tấu chương xin học tập theo sách Tây, chữ Tây (chữ Anh, Pháp,
Đức v.v…).
Quang Tự hoàng đế xem qua các loại sớ này chỉ mỉm cười, coi như được
một dịp nghe chơi những chuyện vui. Song đối với các bản điều trần thực
tế về tân chính của chư thần, Quang Tự hoàng đế đều nhất nhất dung nạp,
không loại bỏ cái nào. Ấy cũng vì vậy mà một tai hoạ lớn đã ra, hậu quả vô
cùng tai hại.