thấy tình cảnh hãi hùng, khóc đến chết đi sống lại nhiều phen.
Bọn thị vệ của Cổ đã trốn hết từ lâu nên lúc đó chẳng còn ai nữa để can
thiệp cứu giúp. Hai tên đại hán nép trong bóng tối chờ mãi khi Cổ đã chết
hẳn mới phi thân qua cửa sổ biến mất.
Hai tên đại hán đó do lệnh của Anh Minh hoàng đế sai tới để ám sát Cổ.
Ngài thấy Cổ thuộc loại ngựa bất kham khó điều khiển, và sợ hắn còn có ý
phản, nên đã nhổ cỏ nhổ cả gốc cho đỡ lo hậu hoạ. Còn Bố Nhĩ Hàng Cổ
thì được tha là bởi vì hắn không có gì đáng để cho Kiến Châu lo ngại.
Toàn bộ Diệp Hách, sau khi Cổ chết đều quy hàng Kiến Châu.
Anh Minh hoàng đế ở lại Đông thành hai ngày rồi mới ban sư hồi quốc.
Khi về tới giữa đường, quân Kiến Châu bỗng được thám mã phi báo:
- Mặt trước có một toán binh mã, trưng cờ Mông Cổ chặn ngang đường. Vị
tướng quân đi đầu, miệng nói lớn: "Vâng mạng lệnh của Lâm Đan Hãn,
đem lá thư tới muốn được bệ kiến Kiến Châu hoàng đế".
Anh Minh hoàng đế được tin, tự nghĩ Mông Cổ vốn là nước lớn ở phía tây
bắc, Lâm Đan Hãn lại là minh chúa của năm bộ lạc Mông Cổ, nay bỗng có
sứ thần tới đây tất có sự gì quan trọng, ta chớ coi thường. Nghĩ vậy đế vội
truyền lệnh an dinh hạ trại, và cho mời sứ giả vào trướng.
Một viên đại tướng hai tay bưng lá quốc thư đi từ ngoài vào, miệng nói:
- Lâm Đan Hãn sứ thần Khanh Khách Nhã Bái Hổ xin bải kiến và thỉnh an
Anh Minh hoàng đế!
Nói xong, viên đại tướng cung kính hành lễ. Lúc đó, Đại bối lặc, Tứ bối
lặc, cả hai đều ngồi bên cạnh. Tứ bối lặc giơ tay tiếp lá quốc thư của Mông
Cổ đưa cho Anh Minh hoàng đế mở ra đọc, trong thư viết:
"Quốc chúa nước Mông Cổ Ba Đồ Lỗ Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh bốn
mươi vạn quân mã, xin hỏi thăm quốc chúa nước Mãn Châu Anh Minh
hoàng đế chỉ huy ba vạn quân mã miền thuỷ tàu có được bình an vô sự
không. Minh với ta, hai nước vốn địch thù. Từ năm Ngọ tới giờ, ngươi đã
mấy phen gây cảnh khổ cho nước Minh. Mùa hạ năm nay, ta đích thân tới
miền Quảng Ninh của Minh, chiêu dụ thành này, thu đồ tiến cống. Nếu
ngươi đem binh qua Quảng Ninh, ta sẽ ngăn chặn ngươi ngay. Ta và ngươi
hai bên vốn không hiềm khích. Ví thử ngươi cướp thành của ta đã chinh