luật và quyết định tiến thân bằng nghề luật: ông dùng số giờ rảnh rỗi để học
cật lực và nhờ vậy được Thomas Hailey, vị chưởng khế nổi tiếng trong
vùng, thâu nhận làm phụ tá.
Sprott chọn nghề học luật, không phải vì ưa thích luật hay vì lý tưởng
muốn thi hành luật pháp một cách đúng đắn, công bằng, mà vì ông cảm
thấy đó là phương tiện tốt nhất để thành công. “Tôi sẽ thành công, tôi sẽ
thành công.” Câu này luôn luôn vang lên, quay cuồng trong đầu óc ông.
Ông quyết định tỏ ra là một phụ tá đắc lực, nhưng ông không hề có ý nghĩ
mãi mãi là người phụ tá, Cho nên năm năm sau, khi thi xong chứng chỉ luật
cuối cùng, Sprott lạnh lùng và đột ngột rời bỏ ông chưởng khế già, khiến
cho ông này gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng điều đó cần quái gì? Bây giờ,
Sprott là thừa phát lại ở tòa án Wortley.
Chức vụ rất khiêm nhường, chỉ là người phụ tá giúp ông chánh án trong
những việc lặt vặt - thảo các văn kiện, triệu tập bồi thẩm đoàn, canh giữ tù
nhân - nhưng dẫu sao ông cũng là một công chức của Hoàng Gia. Và đó là
điều làm ông thỏa mãn đầu tiên. Vừa làm bổn phận của mình, với một sự
hăng say hiếm có, Sprott vừa tiếp tục học các môn dân luật, luật hiến pháp
và công pháp. Khi đã sẵn sàng và đã dành dụm đủ số tiền cần thiết, ông liền
xin gia nhập luật sư đoàn.
Sprott biết rõ những khó khăn to lớn đang chờ đợi ông. Không tiền bạc,
không quen biết với những người có thế lực, không có thân chủ, ông đành
lui tới mãi các phòng xử án. Sau cùng người ta cho ông làm lục sự. Ông
nhận nó, xem như một chức vụ giai đoạn, phương tiện giúp ông trực tiếp
phục vụ những kẻ quyền thế. Dần dần, ông được biết tiếng nhờ trí thông
minh, khả năng làm việc và hiểu biết sâu sắc về môn luật hình sự. Hơn thế
nữa, ông lại còn ăn nói lưu loát, đối đáp nhanh nhẹn, sắc bén hoặc khôi hài,
và nhất là có khả năng gần như thiên phú, hễ gặp dịp thì gây ảnh hưởng với
bồi thẩm đoàn. Mùa bầu cử năm 1910 ông đầu quân dưới cờ của ứng cử
viên thuộc đảng Bảo thủ ở địa phương: Sir Henry Longden.