lòng dân, cũng không nên cho lời của mình là đúng. Quân chưa ngồi thì không
ngồi, quân chưa ăn thì không ăn, cùng chung cảnh ấm no đói rét, như thế thì sĩ
tốt sẽ chiến đấu quên mình”.
Tướng nhận mệnh xong bái tạ ân vua mà đáp rằng: "Thần nghe nói, nước
không thể trị từ bên ngoài, quân không thể trị từ bên trong. Kẻ có hai lòng
không thể thờ vua, người nhụt chí không thể đánh giặc. Nay thần đã chịu mệnh
vua, nắm trọn quyền uy lãnh đạo, thần không dám tham sống trở về, xin vua hạ
lệnh cho thần, nếu vua không cho phép, thì thần không dám làm tướng".
Vua nhận lời, tướng bèn cáo biệt ra đi. Mọi việc trong quân ngũ đều không
theo lệnh vua, mà tuân theo lệnh tướng. Gặp địch chỉ quyết chiến, chứ không
có hai lòng.
Như vậy thì trên không có trời, dưới không có đất, trước không có địch, sau
không có vua. Nên bậc tài trí mới có công giúp vua, người vũ dũng mới gắng
sức dẹp giặc. Khí thế cao vút tận mây xanh, tiến nhanh như ngựa phi nước đại,
quân chưa giao chiến mà địch đã đầu hàng.
Ngoài thì chiến thắng địch, trong lập được công to, quan được thăng cấp,
quân được ban thưởng, trăm họ vui mừng, không còn gặp cảnh tai ương. Do đó
mà bốn mùa mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong phú, xã tắc yên vui".
Võ Vương nói: "Thật là hay lắm”.
Thiên thứ năm
TƯỚNG UY
Võ Vương hỏi Thái Công: "Tướng lấy gì làm uy, lấy gì làm sáng, lấy gì làm
răn mà lệnh được thi hành?".
Thái Công đáp: "Tướng lấy việc diệt lớn làm uy, thưởng nhỏ làm sáng, hình
phạt làm răn mà lệnh được thi hành.
Nên giết một người mà ba quân run sợ thì phải giết. Thưởng một người mà
vạn người đều vui thì nên thưởng. Việc giết quý ở chỗ không kể người cấp to,
việc thưởng quý ở chỗ kể cả người cấp nhỏ. Giết đến quan đang có địa vị cao
quý là phạt đến cấp cao nhất. Thưởng đến kẻ chăn trâu tắm ngựa là thưởng đến
tận kẻ dưới.
Phạt đến kẻ trên cùng, thưởng đến tận kẻ dưới là những việc làm tăng thêm
uy quyền của người tướng vậy".
Thiên thứ sáu