THUYẾT MINH VỀ BẢN DỊCH
Những binh thư của Trung-quốc mà sách này trích lục trước hết là bộ Võ kinh
gồm bảy phần như sau:
Sách Tôn tử hay Tôn tử binh pháp, có khi gọi tắt là Binh pháp, do Tôn Vũ
thời Xuân thu, tướng của Ngô Hạp Lư soạn. Theo Sử ký thì sách này có 13
thiên. Đỗ Mục đời Đường nói rằng sách của Tôn Vũ nguyên có đến vài mươi
vạn chữ, sau Tào Tháo bỏ bớt đi mà thành bản ngày nay.
Sách Ngô tử do Ngô Khởi tướng của nước Sở thời Chiến quốc soạn. Lục Mỹ
Thanh đời Đường chia sách ấy làm 6 thiên, tức là bản thông hành ngày nay.
Sách Lục thao, đầu thời chiến quốc đã có tên sách, bản cũ đề là của Lã
Vọng nhà Chu, nhưng là sách đời sau giả thác, tác giả ở vào khoảng trước đời
Đường.
Sách Tư mã pháp, một sách binh pháp đời xưa, đề là của Tư-mã Nhương
Thư nước Tề soạn, nhưng không chắc đúng.
Sách Tam lược, người đời sau soạn mà giả thác là của Hoàng Thạch công
trao cho Trương Lương là công thần khai quốc của nhà Hán.
Sách Uất liệu tử, do Uất Liệu đời Chu soạn.
Sách Lý vệ công vấn đối, do học trò của Lý Tĩnh ghi chép những lời vấn đáp
của Đường Thái tông với tướng là Lý Tĩnh mà thành.
Ngoài ra Binh thư yếu lược còn trích lục các sách:
Vũ kinh tổng yếu, do bọn Tăng Công Lượng và Đinh Độ đời Tống soạn,
chép những binh pháp của đời xưa và những mưu kế phương lược của nhà
Tống, gồm 40 quyển.
Hổ kiểm kinh, do Hứa Động đời Tống soạn, gồm 20 quyển.
Thúy vi bắc chinh lục, do Hoa Nhạc đời Tống soạn, gốm 20 quyển.
Vũ bị chí, do Mao Nguyên Nghi đời Minh soạn, gồm 19 quyển.
Vũ bị chế thắng chí, do học trò của Mao Nguyên Nghi soạn, gồm 31 quyển.
Kinh thế, tức là Kinh thế bát loại toàn biên, do Trần Nhân Tích đời Minh
soạn, trong ấy có phần “Binh tào” từ quyển 63 đến quyển 83.