Khi muốn dấy binh hoặc sắp đặt việc gì thì phải nhóm họp tất cả tướng tá để
bàn luận, mưu kế phải sắp đặt xong rồi sau mới đánh. Cho nên tướng súy đối
với quân lính phải có ban huệ “đổ rượu” ban ân “hút máu”. Ngày xưa Huỳnh
Thạch Công kể rằng: Có một lương tướng khi ai biếu bầu rượu lao thì ném
xuống sông rồi khiến tướng sĩ đón giòng nước mà uống. Một bầu rượu lao
không thể làm cho nước sông có mùi vị rượu thế mà ba quân cảm kích bởi ân
huệ bèn đồng lòng quyết chết. Lại kể chuyện Ngô Khởi cầm binh, có một lính
tốt bị mụt nhọt, Khởi thân hành điều trị và mút mụt nhọt, khiến cho ba quân
cảm kích mà hết lòng đánh giặc.
Cho nên sĩ tốt được cái vui vật trâu nấu rượu, chiến đấu hăng say, thương
yêu giúp đỡ chủ tướng như con em theo cha anh, như tay chân che chở cho đầu
mắt, không ai có thể chống cự lại được.
Nếu bóc lột làm cho sĩ tốt phải đau khổ, bắt chúng làm việc nhọc nhằn,
buông ra lời nói oán thù khó nghe, như thế là tướng súy xem sĩ tốt như cỏ rác,
thì sĩ tốt sẽ xem tướng súy như cừu thù, đến tình trạng ấy chỉ mong cho hàng
ngũ được đầy đủ cũng là việc rất khó, làm sao có thể trông mong quân sĩ sẽ
liều chết xông đến đánh địch? Đó là nói sơ lược về phép tướng súy an ủy vỗ về
quân sĩ.
125.- KIÊU CĂNG VÀ NHỤT KHÍ:
Kẻ làm tướng không bao giờ thấy quân mình nhiều mà kiêu căng, không bao
giờ thấy quân mình ít mà nhụt chí. Không có con vật nào mạnh như con hổ
nhưng khi bắt heo chuồng mà bị dân cư đuổi thì cũng phải cong đuôi mà chạy
chẳng dám quay lui, như thế đủ hiểu rằng có thể lấy việc nghĩa để sai khiến
người.
Tướng kiêu căng thì phải thất bại. Kẻ làm tướng không thể cậy rằng mình trí
dũng mà khinh người. Tống Nghĩa sở dĩ đánh được Hạng Lương, Bạch Khởi
sở dĩ giết được Triệu Quát cũng vì lẽ ấy.
126.- KHÍCH ĐỘNG SĨ TỐT:
Việc khích động sĩ tốt có nhiều cách:
- Hoặc lấy sự quả cảm để khích động: như Lưu Kỳ đời Tống giữ Thuận
Xương; gặp khi người Kim xâm lấn phía nam, Kỳ bèn đục và đốt cháy thuyền
bè, tỏ ý không chịu đi, để răn người nhà không được khuất phục trước quân
địch.