- Hoặc lấy lòng trung nghĩa để khích động: như Trương Tuần bày ra bức
tượng của vua Đường, lạy khóc để trách sáu tướng, nhận đại nghĩa mà chém
họ, nhờ đó khuyến khích chí khí của quân sĩ.
- Hoặc lấy lòng chí thành để khích động: như Trương Tuần thề quyết chết
làm cho tướng sĩ phải thương tâm mà giặc bị tan vỡ. Vua Đường Đức Tông
nhận lỗi về mình mà trăm quan liều mình quyết chết.
- Hoặc nêu điều lợi hại để khích động: như Dương Khánh giữ Thành Đô,
tuyển mộ hiền sĩ, tích trữ lương thực, trợ cấp cho nhân dân, dân Thục luyện
tập dao gậy để giúp quan quân làm cho rợ Man phải thua lớn. Lý Mục đời
Tống trấn giữ Dực Châu, được vật gì chia đều hết cho sĩ tốt.
- Hoặc lấy tiền của, vải lụa để khích động: Huỳnh Thạch Công nói rằng:
Được tiền của mà đem phân phát cho mọi người thì quân sĩ sẽ liều mình quyết
chết. Lý Mục đời Tống cũng làm giống như thế.
127.- MƯỜI HAI CÁCH CHẮC THẮNG:
Bậc vua của loài người biết phép chắc thắng, cho nên có thể gồm kiêm việc
rộng lớn để thống nhất chế độ, và thị uy giữa thiên hạ theo mười hai cách sau
này:
Thứ nhất là liên hình (hình pháp liên đới) nghĩa là những kẻ giữ gìn đội ngũ
sẽ cùng chịu một tội như nhau.
Thứ hai là địa cấm (đất cấm đi lại) nghĩa là ngăn cấm việc đi đường để lùng
bắt kẻ gian từ bên ngoài đột nhập vào.
Thứ ba là toàn quân (bảo toàn quân đội) có nghĩa là các thủ lãnh nương tựa
vào nhau, ba và năm giống nhau để liên kết với nhau.
Thứ tư là khai tái (mở cửa) nghĩa là chia đất làm giới hạn, mọi người phải
giữ vững, liều chết để làm tròn chức vụ.
Thứ năm là phân hạn (chia giới hạn) nghĩa là trái và phải ngăn nhau, trước
và sau chờ nhau, quân đóng vòng quanh giữ chắc, để đón hoặc để ngăn.
Thứ sáu là hiệu biệt (số hiệu phân biệt) nghĩa là quân đàng trước sắp đặt để
tiến tới, khác với quân đàng sau, không được tranh nhau đi trước hoặc leo trèo
mất thứ tự.
Thứ bảy là ngũ chương (năm chương) nghĩa là sáng tỏ hàng lối, đầu đuôi
không loạn.