154.- LO NGHĨ ĐẾN QUÂN SĨ:
Kẻ làm tướng phải hỏi thăm việc hư hại, chẳng bao giờ sai khiến mà không
thông cảm, đó là cách lo nghĩ bậc nhất đến quân sĩ. Khi quân sĩ phải mang giáp
trụ trải nắng dầm sương, đói khát thiếu thốn, thân thể bị thương tích mà chẳng
dám than khổ, gặp cơn hiểm nạn mà chẳng dám kêu mệt, cho nên kẻ giỏi dùng
binh chẳng để quân sĩ của mình bị địch vây hãm, ai theo thì dùng, ai bỏ thì
giết, đó là cách lo nghĩ bậc hai đến quân sĩ.
155.- NHUỆ KHÍ:
Nuôi uy thì quý ở sẵn có, ứng biến thì quý ở mưu cao. Hai quân đang đánh
nhau, nghe hô một tiếng thì phấn khởi, đó chỉ nhờ nhuệ khí mà thôi. Quân địch
đông đảo đánh tới dữ dội, còn ta ít quân mà tới ngăn chặn chúng được, đó cũng
là nhờ nhuệ khí. Giữa đám quân địch, quân ta ra vào, lui tới, xông xáo dọc
ngang được, đó cũng là nhờ nhuệ khí. Tướng kiêu dũng, mạnh mẽ, dữ tợn, đó
là tướng có nhuệ khí. Như gió, như mưa, làm rung chuyển núi rừng, đó là có
nhuệ khí. Tướng đánh tới dữ dội, quân nhảy tới xông xáo, đó là tướng, quân
đều có nhuệ khí. Dùng nhuệ khí không đúng chỗ thì vấp ngã, không có nhuệ
khí thì suy. Có cơ trí mà có thể chu toàn, phát ra mà thâu lại được thì nhuệ khí
không bao giờ hết.
156.- PHÉP CHIẾN ĐẤU:
Phép chiến đấu là so sánh đạo nghĩa, lập tốt ngũ, định hàng cột, chỉnh đốn
đường ngang lối dọc, xét danh thực. Khi đứng mà đi tới thì cúi xuống, khi ngồi
mà đi tới thì quỳ gối. Sợ thì sắp cho dày, thấy nguy hiểm thì ngồi xuống. Ở xa
mà nhìn thì không sợ, ở gần đứng nhìn thì không tan rã. Dưới ngôi vua, quân
hai bên trái phải bỏ giáp ngồi xuống, thong thả thề nguyền.
157.- HỔ BÔN:
Trong một toán quân, ắt có hạng hổ bôn (dõng sĩ) có sức gánh nổi vạc, khỏe
chân chạy hơn ngựa nhung, đều đủ sức giựt cờ giết tướng. Nếu được như thế,
nên chọn riêng họ ra để mà thương yêu quí mến họ, đó gọi là quân lệnh. Chia
họ ra năm thứ binh, có tài năng, có sức mạnh, có sức khỏe, nhanh nhẹn, nuôi
chí nuốt địch. Ban thêm phẩm tước cho họ, để họ quyết thắng, chăm nom cha
mẹ vợ con của họ, thưởng để khuyến khích họ, phạt để họ sợ uy, đó là phép bày
trận vững chắc, có thể giữ gìn lâu dài. Biết xét liệu việc ấy thì có thể dấy binh
gấp bội.