Nhân theo chí khí và tình ý của người mà dùng họ, đó là sự quyền biến vi
diệu của quân đội.
Sách Quân Thế nói rằng:
Chớ cho kẻ biện sĩ luận bàn về điều hay của quân địch, vì họ sẽ làm cho
quân chúng hoang mang.
Chớ cho kẻ nhân giữ tiền của, vì họ thường bố thí nhiều cho kẻ dưới.
Sách Quân Thế nói rằng:
Cấm hạng thầy đồng tử, thầy bói không được bói toán cho các lại sĩ đến hỏi
việc lành dữ về quân đội.
Sách Quân Thế nói rằng:
Muốn sử dụng nghĩa sĩ thì đừng dùng tiền của, cho nên kẻ có nghĩa chẳng
vì kẻ bất nhân mà chết, kẻ có trí chẳng vì kẻ ngu tối mà lập mưu kế.
Bậc vua chúa không thể không có đức, nếu không đức thì bề tôi sẽ làm
phản; bậc vua chúa không thể không có uy, nếu không có uy thì nước yếu, còn
nếu có nhiều uy thì tự mình sẽ gặp nguy hiểm.
Cho nên Thánh vương trị thế, tùy theo thời thịnh suy mà quyền biến, đo
lường sự được mất mà đặt ra phép tắc. Cho nên chư hầu thì có hai sư, phương
bá thì có ba sư, Thiên tử thì có sáu sư.
Gặp đời loạn thì bọn phản nghịch sinh ra mà ân huệ của vua thì hết, ắt là có
sự thề ước cùng nhau đánh dẹp.
Đức mà bằng nhau, thế mà ngang nhau thì không lấy gì mà khuynh đảo
nhau, bèn nắm lấy lòng dạ của hạng anh hùng, cùng yêu cùng ghét với họ, rồi
sau này dùng quyền biến thêm vào.
Cho nên nếu không có mưu kế, sách lược thì không lấy gì mà giải quyết sự
ngờ vực; nếu không có mưu kế quỷ quyệt, lạ lung thì không lấy gì mà phá tan
dẹp giặc; nếu không có kế hoạch kín đáo thì không thể thành công.
Thánh nhân theo thể tượng của trời, hiền nhân lập phép tắc dưới đất, bậc trí
gia thì học theo xưa, vì thế cho nên ba sách lược được đặt ra cho đời suy.
Thượng lược bày ra lẽ thưởng, phân biệt kẻ gian hùng, sắp đặt cuộc thành
bại.
Trung lược so sánh đức hạnh hơn thua, xử đoán việc quyền biến.
Hạ lược trình bày việc đạo đức, xét việc an nguy, phê phán kẻ giặc, người
hiền.