trường hay bảo muốn đến chơi vào ngày chủ nhật. Đối với lũ con gái, thế là
vui lắm rồi.
“Nếu mà nói về chuyện tổn thương thì…” Gã lấy khăn lau miệng rồi nói.
“Tính tới thời điểm sinh ra, chẳng ai bị tổn thương cả. Tớ nghĩ chán rồi.
Giả như bị khuyết tật bẩm sinh, hay bệnh tật, hay rơi vào gia đình mà bố
mẹ không ra gì, thì cái lúc mình sinh ra đời ấy, cũng chẳng có tổn thương gì
sất. Con người được sinh ra một cách hoàn hảo, không một tì vết. Thế mới
hay. Sau đó thì mới đau, và nỗi đau ngày càng nhiều lên theo thời gian cho
đến lúc không còn trên cõi đời này.”
“Nhưng điều đó không có nghĩa là được phép làm tổn thương người
khác.”
Koji lại phòng mang trợn má phì cười. Với Toru, nụ cười có phần chua
chát ấy như muốn nói, kẻ đang hứng chịu ngày càng nhiều nỗi đau chính là
Koji. Gã kêu ly bia thứ ba.
“Tớ có nói gây tổn thương cho người khác cũng được đâu. Tớ nói là con
người kiểu gì cũng bị tổn thương.”
Gã rút thuốc châm lửa.
“Ai chẳng bị tổn thương, nhưng đàn bà thì luôn tìm cách kháng cự sự tổn
thương đó.”
Chẳng có lý do nào khiến Toru đồng tình, song cậu cũng không nghĩ ra
cớ gì để phản bác.
Ra khỏi quán, mặt đường đã ướt thẫm.
“Hóa ra lúc nãy trời mưa.”
Bầu không khí lạnh cóng.
“Mưa thì có làm sao, đằng nào thì cũng lạnh rồi.”
Toru cười nhăn nhó với câu nói của Koji.
“Thì đúng là chẳng sao cả. Cậu lúc nào cũng thế, chăm chăm vặn vẹo
người khác.”
Vài hôm nữa là đến tháng Mười một. Toru mặc chiếc áo len màu trắng,
còn Koji khoác chiếc jacket màu đen may bằng chất vài thun. Cả hai bước
đi trong tiết trời ẩm ướt.
“À mà này, tớ chọn chỗ làm rồi.”