một kẻ phí phạm, một kẻ khờ khạo. Dĩ nhiên, cũng có những kẻ hám danh
thiếu trung thực, dùng những đòn không được phép dùng trong khi đấu.
Nhưng đó lại là chuyện khác. Tôi chẳng hạn, tôi rất tin những người thích
danh vọng, tôi hiểu rằng không bao giờ mình phải thất vọng vì họ, bởi lẽ họ
có lòng tự ái, có động lực, có ý chí đạt tới những khả năng tốt nhất cho
mình, và do vậy cho tất cả những gì mà họ phụng sự.
Anh cười rồi nói thêm:
- Nếu tôi là một kẻ độc tài, tôi sẽ đưa toàn những người chuộng danh
vọng vào các cương vị chủ chốt nhất.
Ông Trưn-xki lắc đầu.
- Thưa trạng sư, suy nghĩ của ông tôi thấy có vẻ hơi đơn giản quá đấy.
- Tại sao kia ạ?
- Bởi ở người chuộng danh vọng, cái ý chí đẩy địa vị của mình lên ấy
đôi khi mạnh đến nỗi nếu mâu thuẫn với cảm giác về nghĩa vụ, nó giành
phần thắng.
- Đôi khi thôi ạ? - Trạng sư cướp lời, - tôi hoàn toàn đồng ý với ông
ông. Nhưng phải chăng chúng ta không bị thiệt hại nhiều nhất bởi sự thiếu
năng lực sự biếng nhác của đủ mọi hạng người ngớ ngẩn và những kẻ tự
nguyện sống nghèo hèn?... Tôi nghĩ rằng chúng ta là một dân tộc của những
người nghèo khổ chính vì ở nước ta đang ngự trị cái chứng loạn thần kinh
coi khinh tất cả những ai đạt đến hoặc một sản nghiệp, hoặc một địa vị nào
đó. Chúng ta chỉ kính trọng những kẻ nhận được mọi thứ mà không hề có
một công trạng cá nhân nào, không phải cố gắng một chút nào, nghĩa là
theo con đường thừa kế.
- Tôi thấy rằng ông là người ủng hộ sự sùng bái của nước Mỹ đối với
các triệu phú.
- Ở Mỹ không phải mọi cái đều dở cả đâu, - Ko-rơ-trưn-xki mỉm cười.
Song phu nhân E-lê-ô-no-ra làm cuộc tranh luận bị gián đoạn bằng
cách quay trở lại vấn đề thầy lang. Sau đó người nhà mời họ ngồi vào bàn,