gầy gò của ông ta vẫn không hề thay đổi, còn đôi mắt thì hình như dán chặt
vào giáo sư.
Đô-bra-nhe-xki nóng nảy sửa lại dáng ngồi trên ghế và bắt đầu nhìn
lên viên chưởng lý, người đang mở đầu bài phát biểu của mình. Ông ta nói
với giọng đơn điệu và có thể chính điều đó đã tước đi ấn tượng mạnh mẽ
của các lý lẽ của ông, tước mất sự uyển chuyển của những câu ngắn, cụ thể,
thản nhiên nhưng rõ ràng là rất lô-gic của ông.
Viên chưởng lý thừa nhận bản án của phiên tòa sơ thẩm đối với những
người sống bằng tình cảm có thể được coi là quá hà khắc. Ông ta thừa nhận
rằng bị cáo Kô-si-ba không thuộc loại tồi tệ nhất trong bọn bịp bợm. Thậm
chí ông ta còn thừa nhận rằng có thể bị cáo hành nghề này do thúc đẩy của
những động cơ cao thượng nữa.
- Nhưng, ở đây chúng ta không đại diện cho lòng từ thiện, - ông nói
tiếp. - Chúng ta là những đại diện của pháp luật. Chúng ta không được phép
quên rằng bị cáo đã vi phạm pháp luật...
Giáo sư Đô-bra-nhe-xki cố tập trung chú ý vào những lời dẫn giải của
chưởng lý, nhưng một cảm giác không thể chịu nổi đã không để cho ông
yên: ông cảm thấy trên gáy mình có ánh mắt của cái ông Kô-si-ba kia.
- Hắn muốn gì ở ta nhỉ? - Ông thầm nổi cáu trong óc. - Nếu như bằng
một cách ấy hắn muốn bày tỏ lòng biết ơn mình về những lời khai thì...
- Chắc hẳn ở đây có những hoàn cảnh giảm án, - người buộc tội tiếp
tục. - Nhưng chúng ta không thể coi nhẹ sự kiện. Ăn cắp bao giờ cũng vẫn
là ăn cắp. Việc giấu giếm đồ vật ăn cắp được...
Không. Không tài nào tập trung chú ý nổi trong những điều kiện thế
này. Đôi mắt của người kia có một tác động từ tính nào đấy. Đô-bra-nhe-
xki gần như giận dữ quay lại nhìn ông ta và thật sự ngạc nhiên. Thầy lang
ngồi cúi đầu. Trước mặt ông ta, trên hàng lan can chắn, hai bàn tay to tướng
của ông ta đang buông thõng.
Đột nhiên trong óc giáo sư nảy sinh một giả thuyết hoàn toàn vớ vẩn: