giảm dân số của một số nhóm. Chiến tranh Iñupiaq kết thúc có vẻ như bởi
nỗi ám ảnh lâu đời của Iñupiaq với thương mại và sự gia tăng cơ hội buôn
bán lông thú cho người châu âu, vốn tiếp xúc thường xuyên hơn sau năm
1848: tiếp tục chiến tranh chắc hẳn sẽ là trở ngại đương nhiên cho những
cơ hội đó.
Như vậy, ảnh hưởng lâu dài của châu âu, Tswana hoặc những mối liên hệ
bên ngoài với các chính phủ hoặc các tù trưởng quốc khác đã gần như luôn
ngăn chặn chiến tranh giữa các bộ lạc. Hệ quả ngắn hạn diễn ra theo nhiều
cách khác nhau, hoặc là ngăn chặn tức thì hoặc bùng nổ rồi ngăn chặn sau
đó. Do vậy, không thể nói rằng chiến tranh truyền thống là kết quả từ sự
tiếp xúc với người châu âu.
Tuy nhiên, nhiều học giả châu âu trước đây đã phủ nhận chiến tranh truyền
thống. Jean-Jacques Rousseau cũng có một lý thuyết không kém phần suy
đoán và thiếu cơ sở: ông khẳng định bản chất con người là dễ cảm thông
trong điều kiện tự nhiên và rằng chiến tranh chỉ bắt đầu khi có sự hình
thành nhà nước. Những nhà dân tộc học được đào tạo khi nghiên cứu về
các xã hội truyền thống trong thế kỷ XX hầu như đều nhận thấy chính họ
chỉ tìm hiểu về các bộ lạc và các nhóm vốn đã được bình định bởi chính
quyền thuộc địa, cho đến khi một số nhà nhân học có thể xác nhận được
những ví dụ về chiến tranh truyền thống vào những năm 1950 và 1960 ở
vùng Cao nguyên New Guinea và Amazon. Các nhà khảo cổ khi tiến hành
khai quật, thường coi nhẹ, bỏ qua, hoặc giải nghĩa theo cách khác, ví như
chỉ coi hào và những hàng rào phòng thủ xung quanh làng đơn thuần là
"rào bao quanh" hay "những vật tượng trưng cho sự ngăn chặn". Tuy nhiên
những bằng chứng về chiến tranh truyền thống, cho dù dựa trên quan sát
trực tiếp, lịch sử truyền miệng hay bằng chứng khảo cổ, cũng áp đảo đến
mức người ta phải tự hỏi: tại sao vẫn còn những cuộc tranh luận về tầm
quan trọng của nó?