cách cố gắng bào chữa cho những người dân bản địa mà họ nghiên cứu
khỏi các cáo buộc đó.
Tôi thực sự thông cảm với các học giả phẫn nộ với việc ngược đãi người
dân bản địa. Tuy nhiên, việc phủ nhận thực tế chiến tranh truyền thống vì
thực tế này bị thao túng với mục đích chính trị không phải là chiến lược
hay. Cũng với lý do đó, việc từ chối bất kỳ thực tế nào vì các mục tiêu
chính trị đáng ca ngợi cũng là một chiến lược tồi. Nguyên nhân không được
ngược đãi người dân bản địa không phải vì cáo buộc họ hiếu chiến là sai,
mà vì việc ngược đãi họ là bất công. Sự thật về chiến tranh truyền thống,
cũng giống như sự thật về mọi hiện tượng gây tranh cãi có thể được quan
sát và nghiên cứu khác, cuối cùng cũng sẽ sáng tỏ. Khi sự thật phơi bày,
nếu các học giả phủ nhận thực tế chiến tranh truyền thống vì lý do chính trị
đáng ca ngợi, việc phát hiện ra sự thật sẽ làm các mục tiêu chính trị đáng
quý đó trở nên xấu đi. Quyền lợi của người dân bản địa phải được khẳng
định trên nền tảng đạo đức, thay vì bằng cách đưa ra những tuyên bố sai
lệch dễ bị bác bỏ.
Những động vật hiếu chiến, những con người yêu hòa bình
Nếu ai đó định nghĩa chiến tranh là "bạo lực được lặp đi lặp lại giữa các
nhóm thuộc các đơn vị chính trị cạnh tranh và được những đơn vị đó đồng
thuận" - và nếu người đó nhìn rộng hơn về khái niệm "các đơn vị chính trị"
và "được đồng thuận" thì chiến tranh trở thành đặc trưng không chỉ ở con
người mà còn ở một số loài động vật. Loài thường được đề cập nhiều nhất
trong các cuộc thảo luận về xung đột của con người là loài vượn, vì nó là
một trong hai họ hàng động vật gần nhất với chúng ta. Xung đột giữa các
con vượn giống với chiến tranh giữa các nhóm người và các bộ lạc ở chỗ
nó bao gồm những cuộc chạm trán tình cờ hoặc nếu không cũng là các cuộc
chiến có mục đích rõ ràng giữa những con đực trưởng thành với nhau. Tỷ lệ
tử vong do các cuộc chiến của loài vượn là 0,36% mỗi năm, tương đương
với những tính toán trong xã hội loài người truyền thống. Liệu có phải điều