rất nhiều người trưởng thành ở xã hội này có những vết sẹo do bỏng và
chúng được xem như "chiến tích" từ những hành vi thuở nhỏ của họ.
Cả hai cách nuôi dạy con trên đều sẽ bị phản đối kịch liệt ở xã hội ngày
nay. Nhưng với cách nuôi dạy không can thiệp vào tự do lựa chọn và hành
động của trẻ thì không phải là bất thường so với chuẩn mực của các xã hội
săn bắt - hái lượm trên thế giới. Phần lớn các xã hội này xem trẻ em là
những cá nhân tự chủ và không nên ngăn cấm mong muốn chơi với các đồ
vật nguy hiểm như dao nhọn, nồi nóng và lửa của trẻ.
Vậy tại sao chúng ta nên quan tâm tới những phong tục nuôi dạy trẻ của các
xã hội săn bắt - hái lượm, nông dân và chăn nuôi truyền thống? Một câu trả
lời hàn lâm là trẻ em chiếm hơn một nửa dân số của một xã hội. Một nhà xã
hội học phớt lờ một nửa các thành viên trong xã hội sẽ không thể khẳng
định là thấu hiểu được xã hội đó. Một câu trả lời hàn lâm khác là mỗi đặc
điểm của đời sống người trưởng thành đều có một nhân tố phát triển. Người
ta không thể hiểu các tập tục về giải quyết tranh chấp và hôn nhân của xã
hội nếu không biết trẻ em đã điều chỉnh cách ứng xử và hành vi của mình
để thích nghi với những tập tục này như thế nào.
Tuy có rất nhiều lý do chính đáng để chúng ta quan tâm tới việc nuôi dạy
trẻ ở những xã hội không thuộc phương Tây nhưng cho đến giờ, việc
nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn rất ít. Một phần của vấn đề là rất nhiều
học giả nghiên cứu về các nền văn hóa khác còn rất trẻ tuổi, chưa có con
riêng và cũng chưa có kinh nghiệm trong việc nói chuyện hay quan sát trẻ
em mà hầu hết đều miêu tả và phỏng vấn người trưởng thành. Nhân học,
giáo dục, tâm lí học và rất nhiều lĩnh vực hàn lâm khác đều có hệ quan
điểm riêng mà vào bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ tập trung vào một số
mảng đề tài nghiên cứu và gây nên những điểm mù ở các hiện tượng được
xem là đáng nghiên cứu.
Ngay cả các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ vốn được khẳng định là
tiến hành ở nhiều nền văn hóa - ví dụ, so sánh giữa trẻ em ở Đức, Mỹ, Nhật