chết và tỷ lệ này ở nữ sẽ còn cao hơn. Ở xã hội Trung Quốc và Ấn Độ hiện
đại, việc trọng nam khinh nữ phổ biến đã dẫn đến tỷ lệ cao vượt mức của
trẻ sơ sinh nam nhờ vào một cơ chế mới đó là xác định giới tính của em bé
trước khi sinh để phá bào thai nữ có chọn lọc.
Người !Kung cho rằng người mẹ có trách nhiệm quyết định ủng hộ hay
chống lại việc giết trẻ sơ sinh. Nhà xã hội học Nancy Howell viết, "Phong
tục người phụ nữ cần hoặc có thể tự vượt cạn đã cho người mẹ quyền kiểm
soát sự sống sót của con mình mà không bị chất vấn. Tại thời điểm sinh nở,
thường là trước khi đứa trẻ được đặt tên và chắc chắn là trước khi được
đem trở lại làng, người mẹ có trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng đứa con của
mình để xem có khiếm khuyết gì không. Nếu đứa trẻ bị khuyết tật, người
mẹ có nghĩa vụ bóp chết con mình. Rất nhiều người !Kung cung cấp cho tôi
thông tin về việc kiểm tra và quyết định là một phần thông thường và cần
thiết của quá trình sinh con. Đối với người !Kung, việc giết trẻ sơ sinh
không được coi là việc giết người vì họ không xem thời điểm ra đời là khởi
đầu cuộc sống của một zun/wa [một người !Kung]. Cuộc sống bắt đầu với
việc đặt tên và với sự chấp nhận đứa trẻ như một thành viên của xã hội trở
về làng sau khi sinh. Trước thời điểm đó, việc giết trẻ là một phần đặc
quyền và nghĩa vụ của người mẹ, theo văn hóa được áp dụng cho các
khiếm khuyết sinh nở và cho một trong hai đứa bé song sinh. Không một
cặp sinh đôi nào tồn tại trong xã hội..."
Tuy nhiên, việc giết trẻ con chắc chắn không phổ biến khắp các xã hội
truyền thống và ít phổ biến hơn so với việc trẻ sơ sinh chết do bị "bỏ rơi"
(ví dụ, người mẹ ngừng chăm sóc, hoặc chăm sóc ít hơn hay ít tắm rửa cho
đứa bé hơn). Khi Allan Holmberg sống giữa một nhóm thổ dân da đỏ
Siriono ở Bolivia, ông nhận thấy không ai biết đến việc giết trẻ sơ sinh hay
phá thai. Mặc dù 15% trẻ Siriono sinh ra bị vẹo chân bẩm sinh và cứ 5 đứa
trẻ thì chỉ có 1 đứa còn sống đến khi trưởng thành và lập gia đình, chúng
vẫn nhận được sự yêu thương, nuôi nấng đầy đủ.