và chi phí để xây dựng các kim tự tháp khổng lồ, cho đến việc giết các vật
nuôi có giá trị và thậm chí là chính bản thân và con cái, bỏ ra nhiều thời
gian lặp đi lặp lại những cụm từ giống nhau. Tôn giáo phải có chức năng rõ
ràng và mang đến lợi ích bù đắp lại được những chi phí nặng nề này; nếu
không, nó sẽ không thể xuất hiện và không thể được duy trì. Sự phát minh
ra tôn giáo đã giải quyết được những vấn đề gì của con người? Tóm tắt
ngắn gọn về cách tiếp cận theo chức năng có thể được diễn đạt như sau: tôn
giáo được phát minh ra để thực hiện những chức năng nhất định, để giải
quyết những vấn đề nhất định, chẳng hạn như duy trì trật tự xã hội, xoa dịu
sự lo lắng của dân chúng và truyền giảng sự tuân phục chính trị.
Một cách tiếp cận khác, đang nổi lên gần đây dựa trên nền tảng tiến hóa
tâm lý học, lại phản đối: tôn giáo chắc chắn không phát triển và không
được phát minh ra một cách có ý thức vì bất kỳ mục đích cụ thể nào hoặc
để giải quyết bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Một người đứng đầu nào đó không
thể nảy sinh một ý tưởng tuyệt vời trong một ngày đẹp trời rồi tạo ra tôn
giáo từ con số 0 và tiên đoán rằng ông ta có thể dễ dàng sai khiến người
dân của mình nếu thuyết phục được họ tin vào những lý tưởng tôn giáo để
xây nên một kim tự tháp. Cũng như một người săn bắt - hái lượm không thể
vì lo lắng về việc những người trong bộ tộc của anh ta trở nên quá đau lòng
vì cái chết của một người khác trong cuộc đi săn gần đây, đã dựng nên câu
chuyện về thế giới bên kia để an ủi họ và cho họ một niềm hy vọng mới.
Tôn giáo thay vì vậy có thể đã xuất hiện như một sản phẩm phụ của một số
khả năng nào khác của tổ tiên chúng ta và của chính những động vật tổ tiên
của họ, những khả năng này đã đưa đến những hậu quả khó lường và dần
dẫn đến các chức năng mới khi chúng phát triển.
Với một nhà sinh học tiến hóa như tôi thì không có mâu thuẫn nào giữa hai
cách tiếp cận khác nhau này về nguồn gốc của tôn giáo, mà thực chất chúng
định hướng ra hai giai đoạn. Sự tiến hóa sinh học tương tự cũng tiến hóa
theo hai giai đoạn. Đầu tiên, sự khác nhau giữa các cá nhân được tạo ra bởi
đột biến và sự kết hợp của các gen. Thứ hai, chọn lọc tự nhiên và chọn lọc