vào đó là một thỏa thuận căng thẳng. Một số điều được cho phép và những
điều khác bị cấm theo sự đồng thuận chung, trong khi những điều khác
(như chủ quyền đất ở ngôi lều và khu vườn bỏ hoang) vẫn còn đang tranh
cãi.
Hai ngày sau, tôi không hề nghe thấy giọng nói người miền sông nước gần
đó một lần nào nữa. Tôi vẫn chưa thấy một người miền sông nước nào và
không hề biết họ trông ra sao và ăn mặc thế nào. Tuy nhiên, ngôi làng của
họ đủ gần nên có một lần tôi nghe thấy tiếng trống trong làng đó vọng lên
từ lưu vực sông phía nam cùng lúc tôi có thể nghe loáng thoáng tiếng hét ở
xa phía dưới từ ngôi làng miền núi trên lưu vực phía bắc. Khi người dẫn
đường miền núi và tôi đi bộ ngược lại phía cắm trại, chúng tôi trêu đùa
nhau về việc mình sẽ làm gì với một người miền sông nước nếu chúng tôi
bắt được một người ở đây. Bất ngờ, ngay khi chúng tôi vòng qua một khúc
quanh ở đường mòn và sắp đến trại, người chỉ đường của tôi ngừng nói
đùa, đưa tay anh ta che miệng tôi và cảnh báo tôi bằng một giọng trầm,
"Sh-h-h! Người miền sông nước!"
Ở nơi đó, trong trại chúng tôi, là một nhóm những người đồng hành miền
núi quen thuộc đang nói chuyện với sáu người tôi chưa từng thấy bao giờ:
ba người đàn ông, hai phụ nữ và một trẻ em. Ở đó, cuối cùng thì tôi cũng
đã thấy những người miền sông đáng sợ! Họ không phải là những con quái
vật nguy hiểm mà tôi tưởng tượng trong vô thức, mà là những người New
Guinea dáng vẻ bình thường, không khác với những người miền núi đang
trò chuyện với họ. Đứa trẻ miền sông nước và hai người phụ nữ hoàn toàn
không đáng sợ. Ba người đàn ông mang theo cung và tên (cũng như tất cả
đàn ông miền núi) nhưng lại mặc áo thun ngắn tay và trông không giống
như trang phục chiến đấu. Cuộc trò chuyện giữa người miền sông nước và
miền núi có vẻ thân thiện và không căng thẳng. Hóa ra là nhóm người sông
nước này đang đi xuống bờ biển và cố tình đến thăm trại chúng tôi, có lẽ
chỉ để đảm bảo rằng ý định hòa bình của họ không bị hiểu lầm và chúng tôi
không tấn công họ.