sát gương mặt của những hành khách, nhân viên đứng quầy và phi công
người New Guinea ở sân bay Port Moresby năm 2006 và thấy phảng phất
đâu đó những gương mặt New Guinea trong các bức ảnh được chụp năm
1931. Những người đứng quanh tôi ở sân bay dĩ nhiên không phải những
người trong các bức ảnh được chụp năm 1931, nhưng có nét gì đó tương
đồng và họ hẳn có thể là con hoặc cháu của thế hệ "năm 1931".
Điểm khác biệt rõ ràng nhất mà quang cảnh của năm 2006 này ghi dấu
trong trí nhớ của tôi so với những bức ảnh năm 1931 về "lần đầu gặp mặt",
là những người dân cao nguyên New Guinea vào năm 1931 mặc trang phục
không mấy kín đáo được kết bằng cỏ, túi lưới trên vai và vòng đội đầu bằng
lông vũ, nhưng đến năm 2006, họ khoác lên người những trang phục hiện
đại với áo, quần, váy, quần đùi và mũ bóng chày. Trong một hoặc hai thế hệ
và trong cuộc đời của nhiều cá nhân ở sảnh sân bay hôm ấy, người dân cao
nguyên New Guinea đã học được cách viết, sử dụng máy vi tính và lái máy
bay. Một số người trong sảnh rất có thể là những người đầu tiên trong bộ
tộc của họ được học đọc và viết. Với tôi khoảng cách thế hệ này đặc trưng
bởi hình ảnh hai người New Guinea trong đám đông sân bay, người nhỏ
tuổi đang dẫn đường cho người lớn tuổi: người trẻ trong trang phục phi
công, giải thích với tôi rằng anh ta đang giúp người lớn tuổi hơn, ông của
anh, vì đây là chuyến bay đầu tiên của ông; và ông cụ tóc bạc có vẻ bối rối
xen lẫn kinh ngạc hệt như những người xuất hiện trong các bức hình năm
1931.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu lịch sử New Guinea chắc hẳn phải nhận ra
những khác biệt lớn hơn giữa quang cảnh năm 1931 và năm 2006, ngoài
thực tế rằng người dân cao nguyên New Guinea mặc váy cỏ vào năm 1931
và mặc trang phục phương Tây vào năm 2006. Các xã hội của Cao nguyên
New Guinea năm 1931 thiếu không chỉ quần áo mà cả mọi sản phẩm của
công nghệ hiện đại từ đồng hồ, điện thoại và thẻ tín dụng cho đến máy vi
tính, thang máy và máy bay. Căn bản hơn, cao nguyên New Guinea năm
1931 không có hoạt động viết lách, chế tác kim loại, tiền, trường học và