Nguyễn Khắc Thuần
Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam
Chương 5
THẾ THỨ TRIỀU TRẦN
(1225 - 1400)
I - SƠ LƯỢC VỀ TRIỀU TRẦN
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh.
Triều Trần được dựng lên kể từ đó. Triều Trần (1225-1400) là một trong những
triều đại lớn của lịch sử Việt Nam. Nhìn chung, thể chế chính trị, kết cấu giai
cấp và xã hội. đặc trưng kinh tế và văn hoá của triều Trần có nhiều điểm tương
đồng với triều Lý, khác nhau chăng thì cũng chỉ là ở mức độ mà thôi.
Thời Trần, Đại Việt là một trong những quốc gia hùng cường, có uy danh lừng
lẫy, ngoại xâm phải kiêng sợ, lân bang phải kính nể. Thời Trần là thời của hàng
loạt những nhân vật lịch sử sáng chói. Về chính trị thì có các vị vua sáng giá
như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần
Minh Tông và các vị vương tước xuất chúng, mà nổi bật hơn cả là Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn. Về quân sự thì có các vị mưu sĩ và các bậc dũng tướng
khét tiếng như Trần Thủ Độ, Lê Tần, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần
Khánh Dư, Trần Bình Trọng. Trần Quốc Toản, Yết Kiêu. Dã Tượng, Phạm Ngũ
Lão, Nguyễn Địa Lô… mà kiệt hiệt hơn hết vẫn là Hưng Đạo Vương Trần Quốc
Tuấn, người đã khai sinh ra nền khoa học quân sự Việt Nam. Về văn hoá, đây
cũng là triều đại đã sản sinh cho lịch sử những nhân vật kì tài như: Trần Quang
Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán
Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), Tuệ Tĩnh, Đặng Lộ…
và một lần nữa, bao trùm lên tất cả vẫn là tên tuổi của Hưng Đạo Vương Trần
Quốc Tuấn.
Trải 175 năm cầm quyền, triều Trần đã để lại cho lịch sử những dấu ấn sâu sắc
trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đây là những dấu ấn đáng lưu ý nhất.
1- Về chính trị
- Năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng để lên
làm thượng hoàng. Chế độ nhường ngôi để lên làm thượng hoàng được bắt đầu
chính thức kể từ đó.