Tiểu-thuyết để làm gì?
Tôi đã nghe thấy nhiều lần câu hỏi sau đây: mua sách để làm gì, và đọc
sách, nhất là đọc tiểu-thuyết, có những ích lợi gì?
Đó là một câu hỏi nhiều người đã đặt, và cũng nhiều người đã trả lời.
Nhưng đó là một vấn-đề mà sự bàn cãi lại chỉ đem những ý kiến thêm, và
bởi còn có người tự hỏi đọc sách để làm gì thì cũng cần có người tìm cách
trả lời.
Đọc tiểu-thuyết để làm gì? Câu trả lời đến ngay trên miệng ta là: đọc để
giải-trí. Nhưng có nhiều cách giải-trí, cũng như có nhiều cách chơi. Người
ta lại nói rằng đọc tiểu-thuyết để thỏa-mãn cái cần thoát-ly mà người nào
chúng ta cũng mang ở trong lòng: thoát-ly cuộc đời tầm-thường và tẻ mọn
hàng ngày, thoát ly cái hoàn cảnh ta đang sống, để tưởng-tượng đưa theo
hành-vi của nhân-vật trong truyện, dự vào những trường-hợp kỳ lạ xảy đến
cho các nhân vật ấy. Người ta ai cũng khát khao những cuộc phiêu-lưu của
đời sống bên trong hay bên ngoài, và dự vào những cuộc phiêu-lưu nguy-
hiểm hay không ấy, trong khi mình ngồi yên lành trên chiếc ghế ở nhà, lại
đem đến cho người đọc một cái thú-vị gấp đôi.
Nhưng nếu chỉ cần giải-trí và thoát-ly thôi, thì đọc tiểu-thuyết trinh-thám
hay một truyện nào đó, là đủ rồi. Không, tiểu-thuyết còn đem đến cho ta
những thỏa-nguyện khác, và giới-hạn cái ích lợi của tiểu-thuyết ở giải-trí và
thoát-ly là làm hẹp đi cái ảnh-hưởng của tiểu-thuyết nhiều lắm. Tiểu-thuyết
có một ích-lợi khác rất lớn, và theo ý tôi, quan-trọng nhất: tiểu-thuyết dạy
ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung-sướng. Sống! Nhiều người không đọc
tiểu-thuyết bao giờ mà vẫn sống như thường, và chẳng đợi bài học của tiểu-
thuyết họ mới sung-sướng. Đã đành thế, nhưng biết sung sướng cũng
không phải là không không khó khăn.