Có những người sống như cây cỏ, một đời sống tẻ-ngắt và khô-khan,
phẳng-lặng như mặt nước ao tù. Tôi phải buồn rầu mà nhận rằng đấy là đời
sống của phần nhiều người An-nam chúng ta. Nếu chỉ ăn với ngủ, với chơi,
thì cái đời sống đó chẳng có gì đáng quý: cái đời sống cần là cái đời sống
bên trong, cái đời sống của tâm-hồn. Chúng ta có cái đời sống bên trong rất
nghèo-nàn và rất bạc-nhược. Những tính-tình phong-phú, dồi-dào hay
mãnh-liệt, chúng ta ít có. Chẳng dám yêu cái gì tha-thiết, mà cũng chẳng
dám ghét cái gì tha-thiết. Lòng yêu, ghét của chúng ta lạt-lẽo lắm. Chúng ta
đổi lòng tín-ngưỡng sâu xa ra một tín-ngưỡng rất thiển cận và nông nổi, giữ
cái vươn cao về đạo giáo của tâm-hồn xuống mực thước sự săn sóc nhỏ bé
về ấm no.
Ấy chính tiểu-thuyết sẽ đem sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng
ta. Ta sẽ được biết nhiều trạng-thái và thay đổi của các tâm-hồn mà nhà văn
diễn-tả, nhận xét được những màu sắc mong-manh của tâm-lý, chúng ta sẽ
tập cảm-xúc sâu xa và mãnh-liệt, biết rung động hơn trước những vẻ đẹp
của trời đất, trước những hành-vi cao quý của người trong truyện. Và khi
biết phân-tách và suy xét ngay chính tâm-hồn của mình: chúng ta sẽ sống
đầy đủ hơn.
Như vậy có phải một bài học về cách sống mà tiểu-thuyết đã đem lại cho
chúng ta không? Khi tâm-hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn
sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ-trụ, trước mọi cái cao-quý của
cuộc đời, chúng ta là người một cách hoàn toàn hơn. Những tính-tình tốt
đẹp nhất của người, tình yêu và tình thương - hai cái thường lẫn làm một
cũng sẽ nhờ tiểu-thuyết mà nảy nở rộng mãi thêm. Ai có biết một quyển
tiểu-thuyết nào đã cảm-động ta mà không gợi yêu, thương, không gợi lòng
nhân từ bằng cách bày tỏ những điều bất-công ác-nghiệt của cuộc đời?
Biết sống, rút lại, mà biết cách sung-sướng. Nếu chính ta đã nhận là “sung-
sướng rồi, tiểu-thuyết đối với ta vẫn không phải là vô-ích, tiểu-thuyết sẽ
làm cho ta sung-sướng nữa lên. Trước khi đọc tiểu thuyết, ta vẫn thích nghe