Người nhà quê trong văn chương
Ít lâu nay những tiểu-thuyết về dân quê sản xuất cũng khá nhiều. Một số
các nhà văn, vì theo thời, hay vì một cái sở-thích văn-chương đột ngột, đã
bỏ những nhân-vật phi thường hay lãng mạn, để quay đầu về nhìn người
nhà quê chân lấm tay bùn trên thửa ruộng. Người này trở nên nhân-vật
chính trong tác-phẩm của họ.
Nhưng chúng ta thấy còn gì ở người dân quê ấy sau khi đã trông và sửa
chữa qua con mắt của nhà tri-thức? Hình ảnh người dân quê mà các nhà
văn đó trình-bày thật khác hẳn người dân quê thực. Người dân quê trong
tiểu-thuyết có những đức tính và tật xấu mà người dân quê thực không có...
Thật là một sự rất nhiều ý nghĩa khi ta nhận ra rằng trong văn-chương, cả
văn-chương Pháp nữa, những nhà viết tiểu-thuyết đã nhận xét khác hẳn
nhau. Người dân quê của Zola không giống người dân quê của Georges
Sand chẳng hạn, và gần đây người dân quê của Maurice Martin du Gard
cũng khác hẳn người dân quê của Giorno.
Ở bên ta số nhà văn tả dân quê hãy còn ít. Mới có vài cuốn tiểu-thuyết có
nhân vật chính ấy. Điều đáng phàn nàn là các nghệ-sĩ kia tưởng đã đến gần
người dân quê trong lúc chính họ xa người ấy.
Chúng ta thấy gì? Mới đầu các nhà văn trình bày một hình ảnh rất nên thơ
và thú vị của cảnh quê. Cô thôn-nữ được coi như một cô gái ngây thơ và
chất phác, yêu một cách chân thực, trong một khung cảnh mà các nhà văn
tả cái đẹp và cái êm đềm. Những công việc ở nhà quê được trình-bày như là
các công việc thanh-thoát và giản-dị.