Một vài nhà văn khác tưởng có khuynh hướng xã-hội hơn, lại trình bày trái
ngược hẳn: thôn quê từ một phong-cảnh thiên-đường đã trở nên ngay một
địa-ngục. Người dân quê phải chịu bao nhiêu nỗi đè-nén áp-bức và các nhà
văn thấy cái thích đội lên đầu họ bao nhiêu nỗi khổ sở và điêu đứng mà họ
tưởng càng nhiều thì tác-phẩm càng có giá trị.
*
**
Đã đành rằng có đôi phần sự thực ở trong ấy. Nhưng sự thực quan-sát
không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong các tiểu-thuyết kia, người dân quê
hãy còn là một nhân-vật tưởng tượng của nghệ-sĩ, chỉ có những liên-lạc rất
xa xôi với bác Nhiêu, bác Xã sau lũy tre làng. Điều mà chúng ta cần phân-
biệt, là nên làm hoạt-động những nhân-vật tưởng-tượng, hay làm sống lại
những người dân quê thực? Nên tác-tạo một cuốn tiểu-thuyết với những
nhân-vật của cuộc đời, hay nên tác tạo những nhân-vật cho một quyển tiểu-
thuyết?
Trong văn-chương - văn-chương Pháp mà chúng ta bị ảnh-hưởng - bao giờ
cũng có những tục-lệ mà chúng ta chưa dễ vượt qua được. Người ta đã nói
đến lòng yêu đất của người nhà quê. Sự thực, người nhà quê chỉ yêu quí
ruộng đất chừng nào mà họ là chủ ruộng đất ấy thôi. Và khi người nhà quê
từ chối không chịu bỏ làng ra tỉnh hay đi nơi khác kiếm ăn, ấy là vì sự ràng
buộc của những thói quen sinh hoạt, những thói quen vật chất hay tinh
thần, hơn là vì lòng tha-thiết với đồng ruộng. Hay là tấm lòng tha thiết ấy
có những nguyên cớ khác như các nhà văn vẫn tưởng.
Một cái tục lệ khác là vẻ nên thơ của công việc đồng áng. Nên thơ với nhà
văn đứng xem, phải. Nhưng sự thực không có công việc nào vất vả và nặng
nhọc bằng. Bình-minh tươi đẹp chỉ là còi hiệu để bắt đầu làm việc. Và thời
tiết bất ngờ cầm vận-mệnh người dân quê ở trong tay. Sự cố sức của người
không thấm đâu với sức mạnh của trời. Người nhà quê thấy mình phải lụy