Sự bền vững của một tác phẩm
(Nhân cuốn Tố-Tâm tục-bản)
Có những tác-phẩm được người ta lưu ý mãi mãi, càng về sau càng nổi
tiếng, có những tác phẩm chỉ nổi tiếng một thời, rồi sau chìm đắm và do sự
quên, không ai nhắc đến nữa. Tác phẩm trên là tác-phẩm, ngoài cái phần
cấu-tạo vì thời-thế, còn có những cái gì bất-diệt, đời đời, trong các nhân-
vật; tác-phẩm dưới là tác-phẩm chỉ có những cái sôi-nổi một thời mà không
có gì lâu-bền, sâu-sắc.
Cuộc lựa-chọn của thời-gian thực rất nghiêm-khắc và công-bằng. Đó là sự
đắc-thắng của những tác-phẩm giá-trị, có khi mới ra đời không được hoan-
nghênh. Trong thế kỷ XVII của văn chương Pháp, cuốn Astée được thiên-
hạ hoan nghênh nhiệt-liệt, mà bây giờ còn được ai nói đến nữa đâu? Còn
bao nhiêu văn-sĩ, bao nhiêu tác phẩm nữa nổi tiếng một thời mà bây giờ
cũng mất tăm trong yên-lặng.
Quyển Tố-Tâm của ông Hoàng Ngọc-Phách mới tục-bản gần đây là một
tác-phẩm vào hạng đó. Khi mới ra đời, Tố-Tâm được người ta hoan-nghênh
vô cùng. Từ Bắc đến Nam, không ai không biết đến Tố-Tâm; có nhiều bạn
gái học thuộc lòng cả quyển sách nữa; nhưng cũng như tác-phẩm của Từ
Trẩm-Á, Tố-Tâm bây giờ không còn ai nhắc đến. Cuộc kén chọn của thời-
gian đã loại cuốn tiểu-thuyết đó như nhiều tiểu-thuyết của các văn-sĩ khác.
Tố-Tâm bị số phận đó vì cái nghệ-thuật không vững bền; cuốn tâm-lý tiểu-
thuyết ấy chỉ phân-tách có cái tâm-lý hời-hợt bề ngoài, một cái thái-độ của
tâm-hồn mà thôi (vì không những chỉ có các “mốt” về quần áo, nhà cửa; có
cả những “mốt” về tình-cảm nữa).