Cái hại của “văn chương”
Jean Pierre Maxence, nhà phê-bình nổi tiếng của báo Gringoire, nhân phê-
bình cuốn tiểu-thuyết “Tôi lấy chồng” của cô Jolan Foldès, người đã được
giải thưởng quốc-tế tiểu thuyết 1936, có viết những câu sau đây mà tôi lược
dịch:
“Khi đã đọc một tiểu-thuyết nước ngoài, quyển Fontaine của Charles Morgan
chẳng hạn, ta không thể không đừng thấy sự trước-tác về tiểu-thuyết của bà nghèo nàn”.
“Lời nói ấy, bi-quan nhưng không thiếu sáng-suốt, là lời của một tiểu-thuyết gia Pháp trẻ tuổi, trong số người gần đây được hoan-nghênh một cách chính đáng, đã nói với tôi. Và vì
chúng tôi cùng nhau tìm nguyên-cớ của sự nghèo nàn ấy, chúng tôi cùng đồng ý về hai cớ chính. Trước hết, ở phần nhiều các tiểu-thuyết gia Pháp, cái khoa viết hình như thay cho
tưởng-tượng. Đáng lẽ đặt ra những việc, làm hoạt-động những chi tiết nho nhỏ để tạo nên cái không khí của truyện, các văn-sĩ Pháp nhiều khi chỉ thích những cử chỉ anh-hùng, do
những ký-ức văn-chương tạo nên hơn là do những sự cần của tâm-lý nhân-vật; và những cách đó, nếu một đôi khi có tỏ một chút tài ngôn-luận (mà ta không cho là một văn-thể) thì
cũng có nhiều cái dễ-dàng đáng sợ, và rất chóng sẽ cho người ta cảm thấy sự trống rỗng, sự đắp-điếm và sự buồn tẻ; - cớ thứ hai là cớ cốt yếu: nhiều nhà văn không biết nhìn cuộc
đời, đổi thay với cuộc đời... và nếu họ cố sức chăng nữa, họ chỉ gọi tên cái mà đáng lẽ nghệ-thuật họ phải làm hiện thấy, họ viết “trẻ trung” hay “thi-vị” trong khi đáng lẽ phải bày tỏ,
làm hiển-hiện cái thi-vị của trẻ-trung, cái bi-kịch của một xã hội đang thành lập...”.
Lời phê-bình trên đây của J. P. Maxence thật là nghiêm-khắc, và khi ông ta
hạ một câu phê-bình như thế chắc lòng tự-ái của ông đã bị tổn-thương lắm.
Tôi không thể ngay đây phụ-họa ông mà phê-bình các tiểu-thuyết Pháp, bởi
đó là một công việc khác. Tôi chỉ nhận rằng những cớ trên kia cũng có
trong văn chương ta. Nhiều nhà văn mình cũng bị cái ám ảnh “văn-
chương” làm hại. Nói “văn-chương” đây theo ý-nghĩ các nhà văn đó là
những câu bóng bẩy xa-hoa những hình ảnh tốt đẹp, những cử chỉ anh hùng
mà chúng ta thấy đầy dẫy trong các tác phẩm của An-nam. Đáng lẽ nhận
xét và phân tách sự thực trong cuộc đời, họ gán cho nhân vật trong truyện
họ những cử chỉ oanh liệt mà họ thích. Như Maxence đã nói, họ chỉ gợi lên
toàn cái đẹp đẽ, hào hiệp, mà không trình bày cho người ta rõ những cái ấy.