nhưng trong những câu hay, bao giờ cũng thấm thía. Một người kỹ nữ, lúc canh khuya sau lúc
khách làng chơi đã ra về, một mình ngồi nhìn phía quê nhà và than:
Biết dầu mà gửi lòng thương nhớ,
Mà biết cùng ai gửi nhớ thương.
Một thiếu niên gọi bạn tình trong mộng tương:
Thu liễu em ơi, có biết không?
Những là ngày nhớ lại đêm mong.
Thu này những tưởng cùng em gặp,
Dưới nguyệt đôi ta ngỏ chút lòng.
Còn gì sáo hơn những câu ấy. Nhưng có những lúc ta buồn và mỏi không muốn tìm tòi gì: ta
buông xuôi tay, ta buông xuôi lòng cho trôi theo những lời, dầu sáo, dầu cũ, miễn là âm điệu khi
lên khi xuống cùng ăn nhịp với lòng ta. Những lúc đó ngâm thơ Thái Can thì tuyệt.
Cho đến những bức tranh thỉnh thoảng ta gặp trong thơ Thái Can cũng không phải là những bức
tranh tô bằng nét, bằng màu, mà chính là họa bằng nhạc điệu:
Mỹ nhân lững thững xem hoa rụng,
Trâm ngọc quên cài tóc bỏ lơi.
Sương tỏa bên mình như khói nhẹ;
Xiêm y tha thướt mái hiên ngoài.
Hãy đọc đi đọc lại bốn câu này. Có phải lời thơ yểu điệu và mềm mại như một người đẹp?
Những lúc thi nhân tim được âm điệu thích hợp để diễn đạt nỗi lòng mình, ta thấy người khoan
khoái như được giải thoát. Nếu không, người ra chiều uất ức, khó chịu. Người phân vân trước
những ham muốn, những mộng tưởng nhiều khi trái ngược nhau. Tâm hồn Thái Can rất phức tạp.
Tuy vẫn thường mơ tưởng cái cảnh thanh gươm yên ngựa, song nhác thấy bóng khăn san áo màu
thời nay, người cũng không muốn hững hờ qua. Người thực lòng thương những gái giang hồ,
người thống trách xã hội đã dẫn họ vào đường trụy lạc, song những yến diên có ca nhi điểm vui,
tất cả cái hào hoa, cái êm dịu của cuộc đời phú quý người cũng không nỡ từ. Người muốn gây một
sự nghiệp, người không muốn sống vô ích, song người lại thấy làm gì cũng vô ích, người ghét hữu
hạn và khao khát vô cùng.
Bấy nhiêu điều trái ngược chỉ có thể đưa người ta đến chán nản. Ta hãy nghe Thái Can khuyên
người ca nhi vừa tự sát mà không chết:
Đứng dậy em ơi! Sống cõi đời,
Đời dầu khổ nhục đến mười mươi,
Em nên điểm phấn tô son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười.
Trong hai người, thi nhân và kỹ nữ, dễ đã biết ai chán hơn ai? Cho đến ái ân thi nhân cũng
không thiết nữa: