NGUYỄN VỸ
Sinh năm 1910 ở làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong), huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Học trường Quảng Ngãi, trường Quy Nhơn.
Đã từng cạo đầu đi tu, gánh cát ở bãi sông Cái, bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn. Hiện nay ở Hà Nội, sống về nghề văn.
Đã viết: Ami du Peuple, Le Cygne, Văn học tạp chí 1935, Hanoi báo, Phụ nữ.
Đã xuất bản: Tập thơ đầu (1934)
Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra
xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc
đầu ta thấy con người ấy không có gì.
Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm
thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào:
Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi,
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm.
người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút “tình sâu ý hiếm” và mặc dầu cái
lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm xếp hàng với nhưng câu sáo nhất xưa nay mà
không chút... ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế.
Nguyễn Vỹ quả đã muốn lòe những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra, chúng ta cũng dễ bị
loè. Nhưng ở chỗ nào khác kia, chứ trong vần chương thi hơi khó. Một hai người có thể lầm; năm
mươi người, trăm ngàn người có thể lầm; chứ cả đám người mênh mông không tên tuổi kia ít khi
lầm lắm. Chúng ta có thể lầm trong một hai năm, chứ lầm luôn trong năm bảy năm hay lâu hơn
nữa, là chuyện thảng hoặc mới có.
Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ
vần có giá trị. Một bài như bài “Sương rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ