Một vừng trăng trong vắt lòng sông
tả cảnh chung quanh thuyền sau khi người tỳ bà phụ vừa đánh đàn xong. Một cái cảnh lặng lẽ,
lạnh lùng ẩn một mối buồn âm thầm, kín đáo. Thế Lữ có lẽ đã nhớ đến hai câu ấy khi viết:
Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,
Trời quang mây xanh ngát màu lơ.
Mặc dầu hai chữ “nao nao” có đưa vào trong câu thơ một chút rung động, ta vẫn chưa xa gì cái
không khí bình yên trên bến Tầm Dương. Với Xuân Diệu cả tình lẫn cảnh trở nên xôn xao vô cùng.
Người kỹ nữ của Xuân Diệu
[80]
cũng bơ vơ như người tỳ bà phụ. Nhưng nàng không lặng lẽ buồn,
ta thấy nàng run lên vì đau khổ:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Ngay từ khi trăng mới lên, nàng đã thấy:
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Chỉ trong thơ Xuân Diệu mới có những thoáng buồn rờn rợn như vậy.
Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi, Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói hay như
người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là
chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn
xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay.
Nhưng xét rộng ra, cái nao nức, cái xôn xao của Xuân Diệu cũng là cái nao nức, cái xôn xao của
thanh niên Việt Nam bây giờ. Sự dụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành
kiên cố. Người thanh niên Việt Nam được dịp ngó trời cao đất rộng, nhưng cũng nhân đó mà cảm
thấy cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người. Họ tưởng có thể nhắm mắt làm liều, lấy cá
nhân làm cứu cánh cho cá nhân, lấy sự sống làm mục đích cho sự sống. Song đó chỉ là một cái dối
mình. “Chớ để riêng em phải gặp lòng em”, lời khẩn cầu của người kỹ nữ cũng là lời khẩn cầu của
con người muôn thuở. Đời sống của cá nhân cần phải vin vào một cái gì thiêng liêng hơn cá nhân
và thiêng liêng hơn sự sống.
Bởi Xuân Diệu đã gửi trong thơ của người lẫn với một chút hương xưa của đất nước, bao nhiêu
nỗi niềm riêng của thanh niên bây giờ - Xuân Diệu mài nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ
những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như
Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho một chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu
đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt. Người khen,
khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời. Song những ai chê Xuân Diệu, tưởng Xuân Diệu có thể
trả lời theo lối Lamartine ngày trước: “Đã có những thiếu niên, những thiếu nữ hoan nghênh tôi”.
Với một nhà thơ còn gì quý cho bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ.
(Juillet 1941)